Sáng kiến nhỏ, ý nghĩa lớn

Nhìn bề ngoài chỉ như một chiếc hộp tôn, song đó là chiếc bếp dùng để nấu ăn cho bộ đội khá tiện lợi. “Bếp củi ĐT18” được Đại úy Đặng Đình Tiến, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 395 nghiên cứu chế tạo. Kết cấu của bếp không đòi hỏi cao về kỹ thuật, tuy nhiên lại rất hữu ích khi bộ đội dùng để nấu ăn trong điều kiện thời tiết xấu, nhất là làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, hay khi vừa cơ động đến vị trí trú quân tạm thời. Hiện, chiếc bếp này đã được nhân rộng ra toàn Sư đoàn 395.

Nhóm tác giả: Trung tá Trịnh Hoài Nam, Thượng úy QNCN Nguyễn Thanh Hùng (Bộ CHQS TP Hải Phòng) nghiên cứu và chế thử thành công sản phẩm “Máy lưu phát điện đa năng”. Sản phẩm nhỏ gọn, được thiết kế sinh ra nguồn điện một chiều nhờ 3 cơ cấu sinh điện: Cơ cấu sinh điện bằng mô tơ máy phát, cơ cấu sinh điện bằng tấm pin năng lượng mặt trời và cơ cấu sạc ắc quy từ điện lưới… So với máy phát điện thông thường, máy phát điện đa năng có ưu điểm là không sử dụng bất kỳ nguồn nhiên liệu nào, không gây tiếng ồn, bảo đảm được yếu tố bí mật trong huấn luyện, SSCĐ của bộ đội.

Tại hội thi, một trong những sáng kiến được ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn là hệ thống kiểm soát, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và tưới tự động phục vụ trồng nấm của nhóm tác giả Hà Văn Thuấn và Bùi Văn Tới (Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình). Ưu điểm của sản phẩm này là giá thành thấp do tận dụng vật liệu sẵn có ở đơn vị. Qua sử dụng thực tế cho thấy hệ thống này đã tiết kiệm điện, nước, nhân công mà vẫn giữ được sự ổn định về năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm này không chỉ được ứng dụng trong tăng gia sản xuất của Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình mà còn được nhân rộng ứng dụng tại một số cơ sở trồng nấm trên địa bàn.

hieu qua tu sang kien cai tien trang thiet bi hau can
Kiểm tra khu trưng bày tại Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình trang thiết bị hậu cần Quân khu 3.

Nhân rộng sản phẩm có ích

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Đăng Thuấn, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 3, Trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết: "Kết quả lớn nhất thu được từ hội thi sáng kiến cải tiến mô hình TTBHC năm 2018 của Quân khu 3 lần này là đã phát huy được trí tuệ, công sức của tất cả lực lượng, thành phần ở các đơn vị, địa phương, nhà trường… Nhiều năm trở lại đây, các đơn vị trong LLVT Quân khu 3 đã chủ động, tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến và mua sắm thêm các đồ dùng, trang thiết bị huấn luyện. Với tinh thần trên dưới cùng lo, cùng làm, các đơn vị đã đầu tư nhiều ngày công của bộ đội, nguồn vốn để tạo nên các sản phẩm mang lại hiệu quả cao, đáp ứng tốt công tác bảo đảm hậu cần và huấn luyện về hậu cần, trong đó nhiều sáng kiến, cải tiến có ý tưởng sáng tạo, có hàm lượng khoa học...".

Tại hội thi cấp quân khu lần này có 181 sản phẩm tiêu biểu của 25 đầu mối cơ quan, đơn vị. Các sản phẩm trưng bày tại hội thi cơ bản có sự đầu tư nghiên cứu đa dạng, gia công sản xuất bảo đảm tính gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ sử dụng, giá thành hạ, độ bền cao, khá thiết thực đối với công tác bảo đảm hậu cần và huấn luyện về hậu cần tại đơn vị. Điều đáng ghi nhận là hội thi đã thu hút được đông đảo đối tượng từ các đơn vị chủ lực đến địa phương cùng tham gia, với nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu học tập, huấn luyện và sinh hoạt của bộ đội mà còn có thể ứng dụng trong sản xuất. Ban tổ chức đã cấp giấy chứng nhận cho 10 sản phẩm đạt giải A; 18 sản phẩm đạt giải B và 87 sản phẩm đạt giải C.

“Hội thi đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, động viên, khích lệ phong trào thi đua nghiên cứu sáng kiến cải tiến trang thiết bị hậu cần tại các đơn vị. Sau hội thi, Bộ tư lệnh Quân khu 3 giao Cục Hậu cần phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm, tiếp tục đầu tư, củng cố, hoàn thiện sản phẩm, nhân rộng mô hình sáng kiến được tuyển chọn và công nhận để sản xuất và ứng dụng trong thực tế, phục vụ cho công tác huấn luyện và công tác bảo đảm hậu cần của toàn quân khu”, Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 khẳng định.