hieu qua tu mo hinh trong duoc lieu duoi tan rung da ps
Đồi cây ba kích của gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh ở Tổ dân phố Vinh Quang 2, phường Châu Sơn đã sinh trưởng và phát triển tốt

Mặc dù, gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng anh Nguyễn Văn Chỉnh ở Tổ dân phố Vinh Quang 2, phường Châu Sơn vẫn mạnh dạn trồng cây ba kích tím tại đồi nhà với mong muốn làm giàu. Trước khi đến với mô hình trồng cây ba kích tím này, anh đã trải qua nhiều mô hình nông nghiệp khác, nhưng do nhiều yếu tố không thể đáp ứng được nên anh đã từ bỏ. Năm 2017, anh được tiếp cận với Dự án trồng thâm canh cây ba kích tím làm dược liệu do UBND thành phố Sông Công phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố triển khai thực hiện. Gia đình anh đã tham gia mô hình với quy mô gần 2ha. Hiện nay, đồi cây ba kích của gia đình anh đã sinh trưởng và phát triển rất tốt. Với giá bán trung bình ở thời điểm hiện tại khoảng 200.000 đồng/kg củ ba kích và ước tính mỗi gốc ba kích khi thu hoạch sẽ cho từ 3 - 5kg củ tươi thì giá trị mỗi gốc cây vào khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính sơ bộ đến lúc thu hoạch giá trị thu nhập trung bình mỗi năm mà ba kích mang lại cho gia đình anh Chỉnh lên tới cả tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Chỉnh chia sẻ: "Nhờ có dự án, tôi đã được tập huấn, hỗ trợ cây giống, phân bón. Trong quá trình thực hiện, tôi thấy cây ba kích tím trồng ở vùng núi rất phù hợp, gấp 5 lần so với trồng cây keo".

Ông Đỗ Anh Dũng, Trưởng Phòng Thông tin đào tạo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi khuyến cáo bà con trồng theo 2 phương pháp: trồng xen dưới tán cây lâm nghiệp; trồng thâm canh dưới vườn. Chúng tôi thấy giữa 2 phương pháp trồng hoàn toàn khác nhau về tình hình sinh trưởng; nếu trồng trên đồi thì khả năng sinh trưởng chậm, tỷ lệ sống không được cao do thiếu nước; trồng thâm canh dưới những diện tích đất bằng phẳng, chủ động được nguồn nước cây sinh trưởng rất tốt".

hieu qua tu mo hinh trong duoc lieu duoi tan rung da ps
Cán bộ Hạt Kiểm lâm TP Sông Công hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây ba kích tím

Ba kích có đặc tính là loại cây tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc, tốn ít công và hầu như không có sâu bệnh; nhưng giá trị kinh tế mang lại thì cao hơn rất nhiều so với những loại cây trồng khác như keo, bạch đàn… Chỉ khi thời tiết khô hạn kéo dài mới cần phải tưới nước cho cây, chứ thông thường hầu như không cần tưới. Với lợi thế khí hậu thuận lợi, phù hợp với trồng cây dược liệu, năm 2017, Hạt Kiểm lâm thành phố Sông Công phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố triển khai mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng tại phường Châu Sơn, với quy mô 5ha, 18 hộ tham gia. Sau 3 năm, đến nay, cây ba kích tím đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn đem lại hiệu quả cao và có thể nhân rộng. Ông Đồng Đức Phương, Chủ tịch UBND phường Châu Sơn cho biết: "Với quan điểm là địa phương triển khai dự án, sau 3 năm, nhân dân tiếp tục mong muốn được các cấp, ngành quan tâm đưa nhiều mô hình kinh tế như ba kích. Từ thành quả ban đầu, chúng tôi mong muốn dự án được mở rộng hơn, tổ chức đại trà cho những hộ dân trên địa bàn được tham gia, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cây giống, quan tâm đầu ra cho sản phẩm".

Cây ba kích sinh trưởng tốt ở những nơi nhiều mùn và đất tơi xốp nên phù hợp với đất không ngập úng với tầng dày từ 0,7 - 0,8m, rất thích hợp với điều kiện thời tiết nóng ẩm. Thời gian thu hoạch thông thường của cây ba kích là từ 3 - 5 năm. Tuy nhiên, thời gian để thu hoạch tốt nhất là trong khoảng từ 5 - 7 năm; vì thời điểm này củ ba kích mới đạt tiêu chuẩn. Theo đông y, cây ba kích tím có nhiều tác dụng như: bổ thận, tráng dương, trị các bệnh đau khớp, đau lưng thường được dùng để ngâm rượu và uống nước. Do là vị thuốc quý nên những năm gần đây, thị trường của cây ba kích tím rất có tiềm năng… Trao đổi về nội dung này, bà Nghiêm Thị Bình, Phó trưởng Phòng kinh tế thành phố Sông Công thông tin: "Dự án trồng cây ba kích tím dưới tán rừng được lãnh đạo UBND thành phố Sông Công phê duyệt; với tổng kinh phí hỗ trợ trên 400 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 218 triệu đồng và nhân dân đóng góp 210 triệu đồng. Đề nghị UBND tỉnh cùng các ban, ngành tạo điều kiện cho thành phố Sông Công phát triển và nhân rộng Dự án trồng cây ba kích tím dưới tán rừng với diện tích 100ha để phát triển thành khu trồng cây dược liệu trên địa bàn thành phố Sông Công".

Ông Nguyễn Ngọc Huân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Sông Công cho biết: "Hạt Kiểm lâm phối hợp với Phòng Kinh tế, lãnh đạo phường Châu Sơn triển khai tuyên truyền sâu rộng đến bà con nhân dân qua Trung tâm Truyền thông thành phố; đồng thời, lồng ghép vào các hội nghị của UBND phường Châu Sơn và các cuộc họp tổ dân phố".

Có thể thấy rằng, tiềm năng phát triển cây ba kích tím ở thành phố Sông Công là rất lớn. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật của thành phố và thực tế đã khẳng định, cây ba kích tím là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tạo nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty trong tỉnh sản xuất thuốc, chiết xuất và chế biến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe./.