Với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn thị xã Phổ Yên và khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên, trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên hiện đang đào tạo gần 30 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên; 7 nghề trình độ trung cấp thuộc các ngành được xã hội quan tâm như: Điện công nghiệp, Điện tử, Hàn, May thời trang, Chăn nuôi - Thú y, Công nghệ thông tin với khoảng 800 học viên. Song song với công tác đào tạo nghề, nhà trường luôn quan tâm đến hiệu quả sau đào tạo nghề. Nhờ đó, số học viên sơ cấp nghề sau đào tạo có việc làm mới và phát triển thêm việc làm tại địa phương thường xuyên đạt khoảng 90%.

hieu qua tu cong tac dao tao nghe phi nong nghiep cho lao dong nong thon
Số học viên sau đào tạo của trường có việc làm đạt tỷ lệ khoảng 90%

Ông Nguyễn Duy Nhất, Hiệu trưởng nhà trường cho biết "Để có được kết quả trong công tác đào tạo như hiện nay, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã có sự gắn kết chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo hướng mở cho học sinh sau ra trường, cùng với đó bên cạnh việc giảng dạy lý thuyết, vấn đề thực hành luôn được nhà trường quan tâm trú trọng, qua đó tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với thực tế công việc. Từ hướng đào tạo này bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm việc tại địa phương, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống".

Có thể thấy, hiện nay, các trường nghề đã xác định được mục tiêu lấy người học làm trung tâm, lựa chọn ngành nghề đào tạo theo xu hướng tuyển dụng của xã hội, liên kết chặt chẽ đầu vào đầu ra, nhờ vậy, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đến năm 2020, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ và dạy nghề cho hơn 30.000 lao động nông thôn, trong đó tỷ lệ nông dân học nghề phi nông nghiệp là trên 18.000 người và có gần 70% tìm được việc làm mới ổn định. Do đó, học nghề đang là hướng đi mà nhiều người dân, đặc biệt là các em học sinh tìm đến.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 61 cơ sở dạy nghề, trong đó có 17 cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập với quy mô đào tạo gần 140.000 người. So với năm 2006, con số này đã tăng gần 60%. Với các trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, cùng với việc đa dạng hóa các loại hình cơ sở dạy nghề đã huy động tốt các nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân để tăng cường thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho dạy nghề.

hieu qua tu cong tac dao tao nghe phi nong nghiep cho lao dong nong thon
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 61 cơ sở dạy nghề, trong đó có 17 cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập với quy mô đào tạo gần 140.000 người

Để công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chia sẻ kinh nghiệm cũng như những kết quả về công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động tại địa phương, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND THị xã Phổ Yên cho biết "Trung bình mỗi năm Thị xã tổ chức được gần 50 lớp học nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn (đạt tỷ lệ 126%). Các ngành nghề đa dạng, cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động, trong đó nhiều ngành giải quyết việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao… Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thị xã chiếm hơn 80%, tỷ lệ sau đào tạo có việc làm đạt trên 90%, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa…”.

Hiện nay, khi mà tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng với diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp thì một số nghề nông nghiệp sau đào tạo không phát huy nhiều tác dụng. Trong hoàn cảnh đó, các nghề phi nông nghiệp là hướng đi phù hợp, đặc biệt với những đối tượng lao động trung niên không có khả năng vào làm tại các khu công nghiệp…Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề phi nông nghiệp mang thực sự mang lại hiệu quả thực chất, theo lãnh đạo Sở LĐ – TB và XH thì việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề tiếp tục phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và trình độ đáp ứng yêu cầu lao động của người dân, như vậy mới bền vững và hiệu quả./.