Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Các đơn vị BĐBP đóng quân xa khu dân cư, có đồn xa tới 50-60km; giao thông thường bị chia cắt về mùa mưa lũ, công việc tiếp phẩm hết sức khó khăn, khiến giá thành thực phẩm khi tới đồn tăng cao. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh xác định phải đẩy mạnh TGSX, chủ động nguồn thực phẩm bảo đảm cho các bếp ăn của đơn vị.

hieu qua mo hinh tang gia san xuat o vung bien
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốc chăm sóc rau xanh.

Triển khai nghị quyết lãnh đạo và sự chỉ đạo của cấp trên, các đơn vị BĐBP tỉnh tổ chức cải tạo đất khô cằn, tranh thủ thời gian mùa khô nạo vét đất màu dưới lòng các ao, hồ và tận dụng nguồn phân trong chăn nuôi gia súc, ủ mục để cải tạo đất. Đến nay, 100% đơn vị trên tuyến biên giới có khu TGSX với vườn rau, chuồng trại chăn nuôi tập trung theo hình thức bán chăn thả; không còn tình trạng nuôi, trồng manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào tự nhiên như trước. Hơn 50% số đồn còn cải tạo được 1-2ha đất trồng lúa, bắp và đào được ao thả cá. Từ năm 2015 đến nay, mỗi đồn còn trồng 1-2ha cỏ để chăm sóc đàn bò trong mùa khô; trồng thử nghiệm 1-2ha nghệ vàng dược liệu để tăng nguồn thu... Kết quả TGSX giúp các đơn vị tự túc được hơn 90% rau xanh, 45% định lượng thịt, cá; đưa thêm vào bữa ăn của bộ đội mỗi ngày 2.500 đồng/người.

Từ hiệu quả TGSX, BĐBP tỉnh Đắc Lắc lựa chọn một số mô hình TGSX để áp dụng, hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con các xã biên giới nhân rộng. Chẳng hạn như mô hình trồng cỏ dự trữ thức ăn cho chăn nuôi đàn bò trong mùa khô, trồng lúa nước, phát triển đàn heo nhà lai heo rừng, đào ao thả cá và mô hình liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để trồng nghệ vàng... Những mô hình này đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, giúp nhiều hộ gia đình ở vùng biên giới thoát nghèo bền vững.