hieu qua cua cong tac pho bien giao duc phap luat cho vung dan toc thieu so da ps
Các cấp ngành của tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Những thành tích xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư… trong đó, đã được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen. Đó là niềm tự hào lớn của người dân xóm Ao Cống, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Với 66 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Sán Chí, xóm Ao Cống duy trì được thành tích ấy là nhờ sự đồng lòng của tất cả bà con, cán bộ cơ sở trong việc thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương. Ông Trần Quốc Hoa, Bí thư Chi bộ Ao Cống, xã Phú Đô, cho biết: "Bà con nhân dân trong xóm tin tưởng tuyệt đối sự chỉ đạo, lãnh đạo của chi bộ, cùng nhau thực hiện đạt kết quả tốt trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, đời sống nhân dân được nâng lên, tinh thần đoàn kết được củng cố, mọi mặt đều hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và các quy định của địa phương".

Một trong những cách làm hay ở Ao Cống trong giữ gìn an ninh trật tự là việc thành lập tổ tự quản với nòng cốt là chính những người dân ở xóm. Trên cơ sở được tập huấn các kiến thức pháp luật, phương pháp hòa giải, vận động nhân dân, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, những thành viên của tổ tự quản đã tham gia tuần tra, bảo vệ tại khu vực được phân công. Nhờ vậy, đã ngăn ngừa được hoặc giải quyết các vụ việc ở xóm ngay từ lúc mới phát sinh. Anh Phùng Văn Hành, thành viên Tổ tự quản xóm Ao Cống, xã Phú Đô chia sẻ: "Hàng năm, vào dịp đầu năm tôi được tham gia tập huấn từ 7 - 15 ngày về giải quyết các vấn đề mâu thuẫn cá nhân ở địa bàn xóm".

Ông Bế Quang Hòa, Trưởng xóm Ao Cống, xã Phú Đô cho hay: "Thành lập cách đây 20 năm, tổ an ninh của xóm làm rất tốt, có việc gì xảy ra, tổ sẽ báo đến tổ trưởng tổ an ninh để giải quyết các vụ việc".

Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết thêm: "Đối với địa phương luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện, có những lớp tập huấn, những chương trình tạo điều kiện cho Bí thư Chi bộ ở các xóm đồng bào DTTS được tham gia học tập. Cùng với đó, để hỗ trợ cho bà con cập nhật kiến thức để tuyên truyền trong nhân dân được tốt hơn".

Còn ở xóm Trung Sơn - nơi có phần lớn hộ dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ. Trước đây, xóm từng là điểm nóng về an ninh trật tự khi có một bộ phận bà con bị người xấu lôi kéo, tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhưng hiện tại, cuộc sống đã trở lại bình thường với bà con trong xóm nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sự đồng hành của các cấp ngành chức năng, trong đó, phải kể đến sự tích cực của cán bộ cơ sở như Trưởng xóm Dương Văn Sình. Từ nhận thức của bản thân, kết hợp với những kiến thức tiếp thu được thông qua những đợt tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật, bằng uy tín và sự chân thành của mình, anh Sình đã tham gia vận động, tuyên truyền cho bà con trong xóm từ bỏ những điều trái pháp luật.

Chị Hoàng Hải Yến, xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn cho hay: "Được anh Sình vận động, chúng tôi đã tuân theo pháp luật, không muốn làm trái pháp luật".

Bên cạnh việc vận động bà con sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định pháp luật, anh Sinh còn trực tiếp thực hiện tốt công tác hòa giải ở địa phương…Mảnh đất hơn 200m2 từng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, thậm chí đã có xô xát giữa 2 gia đình ruột thịt là người Mông ở xóm vào năm 2018. Qua 3 lần vận động, gặp mặt, đưa ra các phương án giải quyết, sau 1 năm, sự việc đã được hòa giải mà không phải đưa lên cấp trên. 2 gia đình tranh chấp đất đã ổn định cuộc sống, không còn mâu thuẫn. Chị Hoàng Thị Dung, xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn chia sẻ: "Bên nhà chồng tôi và nhà chú ruột trước đây có tranh chấp đất đai, nhưng bây giờ đã giải quyết ổn thỏa".

Anh Dương Văn Sình, Trưởng xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, Đồng Hỷ cũng cho biết: "An ninh trật tự trên địa bàn xóm hiện nay không có vụ việc nào xuất hiện trong 6 tháng đầu năm".

Qua những câu chuyện thực tế tại các xóm, bản trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa tại thôn bản, có thể thấy vai trò của những cán bộ cơ sở rất quan trọng. Thông qua việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ này, đồng thời, vận dụng luật tục của đồng bào dân tộc vào quản lý và xây dựng cộng đồng tự quản thôn, bản, đã góp phần nâng cao những hiểu biết, nhận thức pháp luật cho nhân dân.

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện các đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, trong giai đoạn 2014 - 2019, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp triển khai gần 40 đợt phổ biến, truyên tuyền giáo dục pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều tổ chức các hội nghị tuyên truyền, một năm chúng tôi tổ chức từ 2 đến 3 lớp. Chúng tôi cũng xác định những nhiệm vụ trọng tâm cho từng năm để chọn các chuyên đề, các nội dung sát với đồng bào như: chuyên đề về tôn giáo, pháp luật, công tác dân tộc tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS, Luật An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm,..."

Cùng với Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, một số đơn vị như: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy…cũng đã thường xuyên thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các vùng DTTS, miền núi như trợ giúp pháp lý, xây dựng các mô hình điểm về giữ gìn an ninh trật tự tại xóm, bản vùng cao, tuyên truyền các bộ Luật có tính thiết thực với cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc.

Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã triển khai thực hiện, đánh giá các hoạt động về truyền thông trợ giúp pháp lý, hoạt động nào hiệu quả, hoạt động nào cần tiếp tục củng cố và đổi mới. Trong đó hoạt động hiệu quả là hoạt động truyền thông mang tính truyền thống, các hoạt động truyền thông mang tính ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, Trung tâm cũng thực hiện được rất nhiều vụ việc, giúp đỡ được nhiều người dân trong vùng đồng bào DTTS và người dân toàn tỉnh".

Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Những năm tới phải làm tốt hơn, nội dung phong phú hơn, thông qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chúng tôi cũng yêu cầu các báo cáo viên phải biên tập các nội dung sát với tình hình thực tế, dùng các từ ngữ dễ hiểu, dễ nghe để khi truyền đạt các học viên nắm bắt được ngay".

Nội dung kiến thức pháp luật thiết thực, đa dạng, đổi mới các hình thức tuyên truyền, đối tượng được tập huấn có sự vận dụng linh hoạt… Nhờ vậy mà đa số người dân thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã được tiếp cận với các quy định của pháp luật, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Điều đó cho thấy sự quan tâm chú trọng của tỉnh Thái Nguyên đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là cho vùng DTTS đã mang lại những hiệu quả thiết thực, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng những bản làng trong tỉnh ngày càng giàu đẹp, yên vui, phát triển bền vững./.