Các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU

Sau các cuộc xung đột vào những năm 1990 ở khu vực Tây Balkan, EU và các quốc gia thành viên quyết định cần có năng lực để hoạch định và thực hiện các sứ mệnh, hoạt động của mình. Năm 2003, EU lần đầu tiên triển khai 2 hoạt động, gồm triển khai cảnh sát ở Bosnia-Herzegovina và lực lượng quân sự ở Macedonia. Từ đó đến nay, EU đã triển khai tổng cộng 34 hoạt động và các phái bộ tại 3 châu lục, trong đó có 22 hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự và 12 hoạt động quản lý khủng hoảng quân sự.

Hiện nay, EU đang duy trì 6 hoạt động quản lý khủng hoảng quân sự và 10 hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự với khoảng 5.000 nhân sự. Mục tiêu của các hoạt động này nhằm duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột, củng cố hòa bình quốc tế, duy trì hệ thống luật pháp, chống buôn người và chống cướp biển.

Trong quá trình triển khai các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU, 18 nước đối tác, trong đó có Thụy Sĩ, Canada, Na Uy, Albania, Chile, Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro, Nga, Hàn Quốc, Gruzia, Moldova, Bosnia-Herzegovina…, đã tham gia và đóng góp phù hợp với khả năng của mình. Nền tảng của thỏa thuận giữa EU và các nước đối tác trên là Chiến lược toàn cầu của EU 2016 (EUGS) cùng Chính sách phòng thủ và an ninh chung EU (CSDP). Các nước đối tác có quyền tự quyết khi tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU về nhiệm vụ, mức độ tham gia, phù hợp với quan tâm, lợi ích chiến lược, nhu cầu và khả năng của mình. Hiện các nước đối tác đang tham gia 9 trong tổng số 22 hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự của EU.

hiep dinh fpa vi hoa binh hop tac va phat trien
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, chứng kiến Lễ ký biên bản triển khai chuyên gia có kinh nghiệm về Gìn giữ hòa bình của EU đến hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, ngày 5-8-2019 tại Hà Nội. Ảnh: HOÀNG VŨ.

Việt Nam - Đối tác có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới

Việt Nam có quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU. Sau khi Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA) có hiệu lực, năm 2019, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), qua đó, hai bên khẳng định cam kết chung nhằm tăng cường các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và pháp quyền thông qua các tiếp cận đa phương và hợp tác, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đang có quan hệ hợp tác quốc phòng hiệu quả với nhiều quốc gia thành viên EU. Nhiều nội dung hợp tác giữa Việt Nam và EU đã và đang được các quốc gia thành viên EU thúc đẩy, tạo quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có hợp tác quốc phòng. Việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với EU sẽ tạo sự kết nối giữa hợp tác với khu vực với hợp tác với mỗi quốc gia thành viên; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm,…

Để mở rộng và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Việt Nam và EU đã nhất trí tiến hành đàm phán Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (gọi tắt là Hiệp định FPA). Hiện nay, hai bên đã kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định FPA. Khi được ký kết, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 4 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký Hiệp định FPA với EU, sau Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Việc Việt Nam và EU ký Hiệp định FPA phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đường lối đối ngoại của Việt Nam, phù hợp với tinh thần “hợp tác toàn diện” của Hiệp định PCA; đồng thời bảo đảm nguyên tắc “3 không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia). Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia Hiệp định FPA còn được bảo đảm trên cơ sở và phù hợp với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có sự chấp thuận của nước sở tại, phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam…

Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020, việc Việt Nam và EU ký Hiệp định FPA sẽ góp phần mang lại hòa bình, hợp tác và phát triển cho khu vực và trên thế giới./.