Ngày 7/1, thông tin từ BS Lê Hoàng Nhựt, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2 (Bình Dương) cho hay, sản phụ nhập viện trong tình trạng ối đã bị vỡ, đau bụng từng cơn, 2 chân, mông, phần dưới của thai nhi lọt ra ngoài, tim thai nhi 100 - 110 lần/phút.

Theo thông tin của bác sĩ khai thác từ phía gia đình, trước đó khi đi khám thai chị K.T. đã được các bác sĩ sản khoa thông báo về tình trạng mang thai ngôi mông. Tuy nhiên, do chủ quan người mẹ trẻ đã không theo dõi chặt chẽ.

Trước khi bị vỡ ối, chị di chuyển từ Đồng Nai sang Bình Dương đi chơi, chưa kịp trở về nhà thì đã chuyển dạ, vỡ ối, nửa cơ thể thai nhi lọt ra ngoài nhưng phần đầu còn kẹt lại trong cơ thể người mẹ.

hi huu thai phu nhap vien trong tinh trang thai nhi ngoi nguoc lot nua nguoi ra ngoai

Các bác sĩ đã giúp sản phụ tiếp tục cuộc sinh nở, bé gái nặng 3,3kg chào đời với cơ thể hồng hào, thở đều, khóc to vận động tốt; sinh hiệu của sản phụ ổn định, tầng sinh môn rách ít, máu mất ít, sản phụ khỏe.

Phân tích chuyên môn của BS Hoàng Nhựt chỉ ra: “Thường phần đầu của bé sẽ ra trước khi sinh, nếu phần chân ra trước được gọi là ngôi ngược. Ngôi thai ngược hay ngôi mông là một dạng bất thường của thai nhi, chiếm tỷ lệ 3-4% trong các ca sinh nở”.

Thai ngôi mông, ối vỡ sớm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như sa dây rốn, gây suy thai cấp, ngạt, nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Người mẹ khi sinh thương thai ngôi ngược, tầng sinh môn không giãn tốt, nguy cơ rách tầng sinh môn phức tạp, gây kẹt đầu thai (Thai mắc đầu hậu).

Để hạn chế các rủi ro khi sinh đối với thai ngôi mông bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ khi mang thai cần thăm khám, quản lý thai kỳ chặt chẽ và làm xét nghiệm đầy đủ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.