Sáng nay thủ đô nắng đẹp, quảng trường Ba Đình rực rỡ cờ hoa, khinh khí cầu xuất hiện trên các thảm cỏ. 8h đoàn rước đuốc truyền thống từ Bảo tàng Hồ Chí Minh thắp lên đài lửa tại Quảng trường Ba Đình lịch. 40.000 người hát vang Quốc ca trong tiếng đại bác vang rền, mở màn cho lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử.

Đọc diễn văn giữa quảng trường Ba Đình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi tới đồng bào trong và ngoài nước lời chúc tốt đẹp nhất, cám ơn những vị khách quý đã mang đến những tình cảm ấm áp của bạn bè bốn phương.

Chủ tịch nước ôn lại, cách đây tròn 1.000 năm, đức vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô Đại việt. Trải qua nghìn năm với bao thăng trầm, Thăng Long Hà Nội vẫn xứng đáng là trái tim của cả nước, nơi kết tinh, tỏa sáng trí tuệ Việt Nam.

"Hà Nội hôm nay thật đẹp, đi giữa các phố phường của thủ đô, mỗi chúng ta đều nhận thấy những thành tựu cụ thể của quá trình đổi mới, hội nhập, càng thêm yêu và tự hào về Hà Nội. Thủ đô đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới. Sau hàng nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội có bao giờ đẹp như hôm nay", Chủ tịch nước nói.

Lễ diễu binh mở màn bằng 21 loạt đại bác. Ảnh: Nguyễn Hưng.

8h10 đoàn máy bay trực thăng mang theo cờ tổ quốc và khẩu hiệu "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long bay ngang qua quảng trường Ba Đình. Trong số những máy bay này, có chiếc vừa đi cứu hộ đồng bào miền Trung bị mưa lũ.

8h20 xe chỉ huy của trung tướng Nguyễn Văn Thành, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội đã tiến qua lễ đài, dẫn đầu lực lượng diễu binh gồm 16 khối bao gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ. Những bước chân thẳng tắp, không khí hào hùng toát lên trên từng gương mặt. Một số đơn vị diễu binh có trang phục còn khá lạ lẫm với người xem như cảnh sát biển, đặc công...

Trên lễ đài Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước cười rạng rỡ, vẫy tay chào đón các đoàn.

Tiếp sau đoàn diễu binh, khối diễu hành mở đầu bằng xe rước rồng thời Lý, xe rước biểu trưng Hà Nội. 13 khối tiêu biểu đại diện cho cựu chiến binh, đoàn thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Hình ảnh Thăng Long - Hà Nội anh hùng, hào hoa, thanh lịch được các nghệ sĩ tái hiện qua các màn rước rồng, trống hội, múa hào sảng, thanh thoát.

9h15, 1.000 thiếu nhi đã thả bóng bay và chim bồ câu trên quảng trường, kết thúc lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử.

Người dân xếp hàng trên các tuyến phố lúc 6h30 sáng. Ảnh: Quang Xuân.

Từ đêm qua, nhiều người dân từ các tỉnh lân cận đổ về đã ngủ lại trên vỉa hè Kim Mã, Nguyễn Thái Học để chờ xem đoàn diễu binh. Họ trải chiếu, áo mưa, báo để ngủ trên vỉa hè. Sáng nay, họ vừa ăn sáng trên vỉa hè vừa ngóng đợi đoàn diễu binh.

6h sáng, vỉa hè các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học đã tắc nghẽn. Người dân tập trung đông nhất là ngã ba Hùng Vương - Nguyễn Thái Học để tiếp cận gần quảng trường Ba Đình với cờ hoa rực rỡ. Mặc dù lượng người tập trung đông đảo song tình hình an ninh trật tự vẫn đảm bảo.

Minh Hùng, học sinh lớp 12 từ huyện ngoại thành Thanh Oai và nhóm bạn đã vào nội đô từ hôm qua và ngủ nhờ ở một nhà người quen. 5h sáng nay, cậu và nhóm bạn đã có mặt trên đường Nguyễn Thái Học để chờ đón đoàn diễu binh. "Chúng em lần đầu tiên được ra thủ đô và được xem lễ diễu binh lớn nhất từ trước đến nay. Đêm qua em hầu như không ngủ được, chờ trời sáng để ra đây xí chỗ", Minh Hùng cười nói.

Trên các tuyến phố lân cận không bị cấm phương tiện như Cát Linh, Giảng Võ cũng tập trung khá đông người và phương tiện, gây ùn tắc. Nhiều hộ dân nhà mặt đường đã tranh thủ lập điểm trông xe để trông giữ phương tiện. Hàng trăm người e ngại đông đúc tại khu Ba Đình đã tập trung trước những màn hình lớn trên các phố và điểm công cộng để xem qua màn hình.

Các lực lượng diễu binh tập kết tại Ba Đình từ mờ sáng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo lộ trình, đoàn diễu binh diễu hành từ các địa điểm tập kết sẽ diễu qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó chia làm 2 hướng. Một hướng đến đường Nguyễn Thái Học xuôi về đường Tràng Thi và kết thúc ở Nhà hát Lớn. Hướng kia theo đường Nguyễn Thái Học về hướng Ngọc Khánh và kết thúc ở khu vực khách sạn Daewoo.

Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đây là lễ diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngoài truyền hình trực tiếp, ban tổ chức còn lắp đặt 20 màn hình cỡ lớn ở các vườn hoa, địa điểm công cộng để người dân Hà Nội theo dõi. Những nơi đoàn đi qua, người dân có thể đứng 2 bên đường theo dõi.

Ban tổ chức khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để đảm bảo an ninh cho lễ diễu binh diễu hành như diễn tập chống khủng bố, dò mìn… Ngoài ra, để dự phòng thời tiết mưa bão, Ban tổ chức còn chuẩn bị phương án tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Từ tối 9/10 đến 12h ngày 10/10, lực lượng chức năng cấm toàn bộ phương tiện (trừ xe có phù hiệu ưu tiên, phù hiệu bảo vệ) hoạt động trên các tuyến phố diễn ra lễ diễu binh, diễu hành như: Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ - Chùa Một Cột - Độc Lập - Ông Ích Khiêm - Bà Huyện Thanh Quan - Tôn Thất Đàm - Nguyễn Cảnh Chân - Bắc Sơn - Mai Xuân Thưởng - Lê Hồng Phong - đường Thanh Niên - Hoàng Hoa Thám (từ Mai Xuân Thưởng đến Liễu Giai); Thụy Khuê (từ Quán Thánh đến dốc Tam Đa) - Quán Thánh (từ đường Thanh Niên đến Hòe Nhai) - Phan Đình Phùng (từ Hàng Bún đến Hùng Vương) - Điện Biên Phủ - Chu Văn An - Hoàng Diệu - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Thái Học - Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền - các tuyến phố xung quanh Quảng trường Cách mạng Tháng Tám - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Kim Mã - Liễu Giai - Văn Cao - Nguyễn Chí Thanh (từ La Thành đến Kim Mã) - Yên Phụ - Công viên Bách Thảo.

Theo VNE