Một con gia cầm giống tuy giá trị không lớn, nhưng lại có lãi rất khủng và một khi buôn lậu với số lượng lớn thì gia cầm giống lại là mặt hàng mang lại siêu lợi nhuận. Chính vì vậy, các đầu nậu và cả các đầu mối tiêu thụ gia cầm giống nhập lậu đã bất chấp pháp luật, sử dụng tất cả các thủ đoạn để buôn lậu và tiêu thụ lừa dối người tiêu dùng trong nước.

Gà nhập lậu bán lãi cả chục lần

Pò Qua, Bản Dĩ, Long Đầu hay ngã 3 Mẫu Sơn…là những điểm nóng tập kết gia cầm, trứng gia cầm nhập lậu qua khu vực Chi Ma-Lạng Sơn. Các điểm “đóng hàng” này thường xuyên thay đổi và không theo bất cứ quy luật nào. Hằng đêm, từng đoàn xe máy chở gà giống, vịt giống và trứng gia cầm nhập lậu ầm ầm về điểm tập kết do chủ hàng quyết định để đóng lên các xe tải nhỏ vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Trung bình một chiếc xe tải nhỏ loại 750kg có thể chất tới 3 vạn con gia cầm giống.

hanh trinh ho bien gia cam nhap lau thanh gia cam viet
Pò Qua, Bản Dĩ, Long Đầu hay ngã 3 Mẫu Sơn…là những điểm nóng tập kết gia cầm, trứng gia cầm nhập lậu qua khu vực Chi Ma-Lạng Sơn.

Xuôi theo quốc lộ 4B, những chiếc xe tải đóng đầy hàng lao vun vút trong màn sương tiến thẳng về thành phố Lạng Sơn rồi sau đó rẽ về các tỉnh dưới xuôi theo quốc lộ 1A. Để qua mặt các lực lượng chức năng, các xe tải chở gia cầm lậu liên tục thay đổi biển số xe mỗi khi đi qua địa phận giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố. Thậm chí, các đầu nậu còn tổ chức cả một đội ngũ “trông đường” hay còn được gọi là “chim lợn” để theo dõi và thông tin “thông chốt” cho các đoàn xe.

Một người tham gia vận chuyển gia cầm lậu cho biết, hầu hết hàng được chuyển về dưới xuôi cung cấp cho những lò ấp trứng, trại gia cầm ở Kế (Bắc Giang), Thuận Thành (Bắc Ninh), Ninh Giang (Hải Dương), Thường Tín (Hà Nội). Từ đây, gia cầm nhập lậu sẽ được “hô biến” thành gia cầm trong nước.

“Xuống Bắc Giang làm kiểm dịch các kiểu thành gà Việt Nam mình luôn. Sau đó bán lẻ, thành hàng trong nước luôn, không phải là hàng lậu nữa” - một người vận chuyển gia cầm nói.

Một con gia cầm giống tuy giá thành không lớn, nhưng tại sao hoạt động buôn lậu gia cầm lại diễn ra công khai, rầm rộ với quy mô lớn và được tổ chức một cách bài bản đến như vậy?

hanh trinh ho bien gia cam nhap lau thanh gia cam viet
Gia cầm được bán tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn.

Câu trả lời là tuy giá thành không lớn nhưng gia cầm giống nhập lậu lại có lãi rất khủng và một khi nhập lậu với số lượng lớn thì gia cầm giống lại là mặt hàng đang mang lại siêu lợi nhuận. Gà giống nhập lậu trung bình có giá trên dưới 5.000 đồng/con, nhưng khi giao buôn cho các đầu mối tiêu thụ ở các địa phương sẽ có giá tăng ít nhất là gấp 2-3 lần tùy từng loại.

“Có nhiều loại gà lắm từ 10.000, 13.000, 17.000 đồng/con... Đó là giá mấy người chở hàng giao xuống Bắc Giang. Gà lấy ở Trung Quốc chỉ khoảng từ 3.000 -3.500 đồng/con" - một lái xe chuyên chở gà lậu từ Lạng Sơn về cho biết.

Đầu mối trong nước tiếp tay cho gia cầm nhập lậu

Tìm hiểu tại một số lò ấp trứng, trang trại gia cầm là đầu mối tiêu thụ gia cầm lậu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội... chúng tôi thấy giá gà nhập lậu đến tay các mối buôn tiếp tục tăng lên nhiều lần. Trong vai một người buôn gà, chúng tôi tới thôn Thụy Lâm, xã Mao Điền, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và có cuộc trao đổi với một người đàn ông tên Hạnh chuyên nhập các loại gà giống có tên K9.

“Bây giờ có hơn 400 con gà được 15 ngày tuổi là gà K9 của Trung Quốc. Nó là gà choai, về chỉ nuôi lớn thôi. Giá buôn là 20.000 đồng/con” - ông Hạnh nói.

hanh trinh ho bien gia cam nhap lau thanh gia cam viet
Người đàn ông tên Hạnh ở Bắc Ninh chào bán gà K9 nuôi được 16 ngày với giá 20 nghìn đồng/con.

Ngay tại các chợ ở tỉnh Lạng Sơn, gà nhập lậu sau khi chăm 1 tháng và đã hô biến thành gà Việt Nam có giá bán đến tay người tiêu dùng tăng ít nhất gấp hơn 10 lần.

“Gà hơn 1 tháng rồi giá là 60.000 đồng, gà nhỏ thì giá có 20.000 đồng” - một tiểu thương ở chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn chào bán.

Chỉ sau 1 thời gian chăm sóc, một con gia cầm giống nhập lậu được hợp thức hóa kiểm dịch biến thành gia cầm Việt rồi phân phối đến tay người tiêu dùng có giá thành tăng gấp cả chục lần so với giá gốc nhập lậu. Lãi khủng cộng với số lượng nhập lậu lên tới cả triệu con mỗi ngày, nên có lẽ nạn buôn lậu gia cầm qua khu vực Chi Ma-Lạng Sơn mới công khai, rầm rộ trong thời gian dài đến như vậy.

Cũng vì lợi nhuận khủng và sự buông lỏng quản lý chất lượng, nguồn gốc gia cầm của ngành chức năng ở các địa phương, nên các đầu mối phân phối, tiêu thụ gia cầm vẫn ngày ngày hô biến gia cầm nhập lậu thành gia cầm Việt, bất chấp nguy cơ dịch bệnh gia cầm lây lan và đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng trong nước.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng gia cầm của người dân sẽ tăng cao. Nếu các ngành chức năng không vào cuộc xử lý quyết liệt, thì chắc chắn hoạt động buôn lậu và tiêu thu gia cầm nhập lậu vào dịp cuối năm sẽ bùng phát ngày càng rầm rộ hơn./.