Hưởng ứng việc hạn chế phát thải từ các sản phẩm nhựa - nilon, Hội Nông dân tỉnh là một trong những đơn vị đầu tiên của Thái Nguyên chuyển hẳn sang dùng chai đựng nước bằng thủy tinh trong sinh hoạt, làm việc và các dịp hội nghị… Từ những thay đổi nhỏ, đến nay, Hội đã có hẳn một chương trình hành động để tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giảm thải rác thải nhưa - nilon để bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Nhiệm vụ của Hội là thay đổi nhận thức của Hội viên, từ thay đổi nhận thức sẽ thay đổi đến hành vi, đến hành động cụ thể của Hội viên, tiến tới hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa, các sản phẩm túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường”.

hanh dong vi thien nhien tu no luc kiem soat rac thai nhua nilon da ps

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên chuyển hẳn sang dùng chai đựng nước bằng thủy tinh trong sinh hoạt, làm việc và các dịp hội nghị.

Ngoài việc hạn chế xử dụng các sản phẩm từ nhựa - nilon, hiện nay, Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo cũng đang tiến tới phân loại rác thải tại nguồn triệt để. Từ việc tuyên truyền, hỗ trợ để người lao động tự giác thay đổi hành vi, thói quen, đến nay, việc giữ gìn cảnh quan, môi trường làm việc thân thiện cũng đã bắt đầu cho kết quả tích cực… và dần trở thành văn hóa của chính Công ty. Anh Nguyễn Tuấn Bình, Giám sát môi trường Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo chia sẻ: “Trong năm 2019, công ty đã sử dụng 82.000 chai nước uống một lần. Tuy nhiên, trong năm 2020, số liệu công ty thu thập được, tính đến hết tháng 5/2020 chỉ còn khoảng 15.000”.

hanh dong vi thien nhien tu no luc kiem soat rac thai nhua nilon da ps

Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo tiến tới phân loại rác thải tại nguồn triệt để.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế thì thấy rõ mối nguy cơ về môi trường của tỉnh Thái Nguyên đang hiển hiện. Những năm trước đây, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt, 1400 tấn rác thải công nghiệp thì ở thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên hàng chục phần trăm mỗi năm… Đáng lo ngại hơn là rác thải sinh hoạt chưa phân loại chỉ xử lý được khoảng một nửa. Lượng rác thải thì tăng lên, trong khi quy mô xử lý không tăng đồng đều dẫn đến số rác thải chưa qua xử lý phải chôn lấp ngày càng lớn đè nặng lên qũy đất chôn lấp của tỉnh Thái Nguyên. Ông Đỗ Văn Thái, Giám đốc Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đá Mài cho biết: “Chỉ trong vòng 2-5 năm nữa là sẽ hết quỹ đất chôn lấp, mà nguồn ngân sách của tỉnh để đầu tư mới là khó khăn. Nếu mà đốt triệt để thì 20 năm nữa chúng ta mới phải đầu tư”.

hanh dong vi thien nhien tu no luc kiem soat rac thai nhua nilon da ps

Lập đề án phân loại rác thải tại nguồn, phát động các chương trình hành động vì môi trường, thu gom rác thải.

Để giải quyết tình trạng trên, trung bình mỗi năm, tỉnh Thái Nguyên đã bố trí thực hiện trên 200 tỷ đồng từ các nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó là việc lập đề án phân loại rác thải tại nguồn, phát động các chương trình hành động vì môi trường, thu gom rác thải. Tuy nhiên, đối phó với áp lực từ nguồn rác thải phát sinh ngày càng lớn, đặc biệt là nguồn rác thải công nghiệp, rác thải từ nhựa, nilon đang cần sự quan tâm đặc biệt và cả những giải pháp căn cơ. Bà Trần Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Vấn đề mấu chốt vẫn là vấn đề phân loại. Khi phân loại tốt thì sẽ có phương án xử lý phù hợp đối với chất thải, việc tái chế lại nhựa, nilon là một trong những giải pháp tối ưu để xử lý vấn đề môi trường”.

Phong trào chống rác thải nhựa đang được các cơ quan chức năng, người dân Thái Nguyên hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng khắp để người dân thấy được tác hại của việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân từ đó nâng cao ý thức trong việc xử dụng và phân loại. Mặt khác, vì một môi trường sống bền vững, việc sử dụng sản phẩm nhựa cần có những quy định, chế tài cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi đô thị, địa phương./.