Đứng nhìn nước sông Kỳ Cùng cuồn cuộn, anh Hà Trung Kết, cán bộ xã Bình Trung lắc đầu vì không thể sang được bờ bên kia. Phía thôn Xuân Lũng, nhiều người dân cũng đứng trên bờ bất lực nhìn dòng nước đục ngầu cuộn chảy. Sáng nay có chợ phiên, nhưng không ai dám liều lĩnh chèo bè để mang nông sản qua sông.

“Tôi được phân công sang thôn Xuân Lũng này nhưng hôm nay không may gặp cơn bão cho nên là không qua được. Thường thường bà con ở đây dùng bè mảng qua lại rất khó khăn, tuy nhiên cứ gặp mưa bão là cô lập hoàn toàn thôn này, cứ phụ thuộc vào mùa mưa, mưa là dâng”- anh Hà Trung Kết cho biết.

hang tram nguoi dan oc dao xuan lung lang son mong moi mot cay cau
Khu vực thôn Xuân Lũng tựa núi đá, mặt nhìn xuống sông Kỳ Cùng thường xuyên có nước lũ dâng.

Thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc có 67 hộ dân với 303 nhân khẩu nhưng có tới hơn 40 hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là người Nùng, Tày. Địa hình như một ốc đảo dựa lưng vào núi đá, mặt hướng sông, đường núi quá hiểm trở khiến vượt sông là cách nhanh nhất để bà con ra thông thương với bên ngoài. Nhiều năm nay, mỗi nhà đều tự kết một chiếc bè bằng tre để chèo qua sông. Năm 2016, thấy chèo bè qua sông quá khó khăn, người dân Xuân Lũng huy động cả làng đi chặt tre, góp tiền mua sắt, xin dây cáp của bên viễn thông kết 17 chiếc bè tre thành chiếc cầu phao qua sông.

Bà Vi Thị Dinh, người dân sống bên này bờ là thôn Nà Lốc, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan kể, dù đã quen thấy cảnh bà con Xuân Lũng đi như “làm xiếc” trên cây cầu tre mỏng manh dập dềnh nhưng mỗi lần đi qua bà vẫn thấy sợ.

hang tram nguoi dan oc dao xuan lung lang son mong moi mot cay cau
Chiếc cầu tre thả trôi theo dòng nước mỗi khi nước lớn.

“Chúng tôi phải xếp cái bè để đi qua sông đấy. Mọi lần tôi đi đám nhiều người cứ đi sang là bè lại lún, nước tràn vào giày vào dép, cảm thấy sợ lắm”- bà Dinh nói.

Bà Dinh kể, đã có những trường hợp đuối nước thương tâm, còn rơi xuống nước thì không đếm xuể. Cầu tre lâu ngày mục nát, người đi bán nông sản gánh qua, sảy chân xuống sông ướt hết lại phải mang về, học sinh ướt quần áo sách vở là chuyện xảy ra hàng ngày.

Mỗi khi mưa lớn, lũ lên, cây cầu kết bằng những bè tre lại càng trở nên nguy hiểm. Nước xiết làm dây cáp đứt, cầu tre bị thả trôi theo dòng nước. Anh Vi Văn Thưởng, trưởng thôn Xuân Lũng cho biết, mỗi lần như thế, cả thôn chỉ có thể liên lạc với bên ngoài qua điện thoại.

hang tram nguoi dan oc dao xuan lung lang son mong moi mot cay cau
Người dân thôn Xuân Lũng bất lực đứng bên bờ.

“Cây cầu này khi nước xiết thì nó chảy đi, bị đứt. Năm nay đứt lần thứ 4. Nước rút thì hô hào những người đàn ông khỏe mạnh ra kéo nối lại, cũng phải mất đến 1 tuần đấy. Nhiều nhà hết muối, hết mỡ, hết thức ăn nhiều ngày cũng không có cách nào để khắc phục. Bà con cũng chỉ mong muốn làm sao để có cây cầu, thuận tiện đi lại”- anh Vi Văn Thưởng nói.

Ông Đàm Văn Hải, Bí thư đảng ủy xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước đây đã có đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải về khảo sát xây dựng cầu cứng tại đây, tuy nhiên không khả thi do địa hình khó khăn và thiếu kinh phí.

Đến năm 2017, Tổng cục đường bộ đã chấp thuận bổ sung danh mục cầu dân sinh vượt sông Kỳ Cùng đoạn qua thôn Xuân Lũng với hình thức cầu treo. Cũng chưa rõ khi nào cây cầu mong đợi của gần 70 hộ dân thôn Xuân Lũng sẽ khởi công và hoàn thành. Trong khi đó, người dân nơi đây đang hàng ngày đối mặt với nguy hiểm khi vượt sông trên chiếc cầu tạm bợ kết bằng những chiếc bè tre. Và khi mùa mưa lũ đến, nước sông Kỳ Cùng dâng cao thì thôn Xuân Lũng vẫn là “ốc đảo” nội bất xuất, ngoại bất nhập./.