Với những cách làm sáng tạo và quyết tâm của mình, các câu lạc bộ này góp phần tích cực trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại địa phương

Nhằm đấu tranh với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã thành lập hàng chục câu lạc bộ chuyên trách. Bằng nhiều cách làm hay, các hội viên đã vận động, thuyết phục được hàng chục trường hợp từ bỏ ý định tảo hôn và kết hôn cận huyết, đồng thời là tiền đề để Hội liên Hiệp phụ nữ tỉnh nhân rộng mô hình đến các địa phương khác.

hang chuc truong hop o gia lai bo y dinh tao hon va ket hon can huyet
Vì tảo hôn, nhiều bé gái chưa đủ 18 tuổi đã kết hôn sớm và buộc phải thực hiện vai trò của người mẹ

Vì gia đình neo người, bố mẹ già yếu, dù chưa đủ 18 tuổi, nhưng em Rơ Mah H Dêr (dân tộc Jarai) ở làng Gran, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê dự định “bắt chồng” để có người cùng nhau san sẻ công việc gia đình. Ngay sau khi nghe thông tin này, các thành viên trong Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, thuộc Chi hội phụ nữ xã Ia Hlốp đã kịp thời ngăn chặn.

Vào các buổi tối, các chị em trong câu lạc bộ đến nhà trò chuyện, giải thích cho H Dêr hiểu kết hôn khi chưa đủ tuổi, không những vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi đã hiểu ra vấn đề, H Dêr quyết định hoãn đám cưới của mình lại đến khi nào đủ trưởng thành.

“Lúc đầu, em không nghe họ nói. Sau đó họ đến thêm 2, đến 3 lần nữa, mình mới nghĩ lại những điều họ nói là đúng. Nhìn người khác có con sớm, không biết chăm sóc, không có sữa cho con; xin việc làm thuê cũng không được vì tuổi còn nhỏ. Nhìn người ta khổ, em hiểu ra là lấy chồng sớm thì khổ, nên em đợi đến 22 tuổi thì lấy chồng. Lúc đó, em đã trưởng thành hơn”, H Dêr chia sẻ.

hang chuc truong hop o gia lai bo y dinh tao hon va ket hon can huyet
Tảo hôn ảnh hưởng nặng nề tới việc phát triển kinh tế và sức khỏe của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai

Xã Ia H’Lốp có tới 8 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, mỗi làng có 2 đến 3 cặp tảo hôn, hoặc kết hôn cận huyết thống. Cá biệt, có những bé gái mới ngoài 14, 15 tuổi kết hôn, một số học sinh phổ thông bỏ học để lấy chồng. Trước tình hình đó, Ia H’Lốp được chọn làm xã điểm để xây dựng câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đầu tiên của huyện Chư Sê.

Theo đó, mỗi khi có cặp nào có ý định tảo hôn, thành viên câu lạc bộ sẽ tới nhà tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, đồng thời phân tích những hệ lụy về mặt sức khỏe sinh sản, chăm sóc con nhỏ đối với các thành viên trong gia đình, nhằm tạo ra chuyển biến về nhận thức, thuyết phục các cặp đôi từ bỏ ý định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đối với những trường hợp khó chuyển biến, câu lạc bộ nhờ sự giúp sức của cán bộ tư pháp, thôn trưởng, người uy tín, già làng.

Bà Rơ Mah H Kráo, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Ia Hlốp - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, câu lạc bộ đã thuyết phục được gần 20 cặp từ bỏ ý định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

“Đầu tiên thì tuyên truyền, vận động cho họ biết về nạn tảo hôn, sau đó gặp người thân và họ hàng, họ sẽ giải thích cho con em họ không lấy chồng sớm. Một lần họ không nghe thì mình tuyên truyền lồng ghép trong những buổi sinh hoạt bên câu lạc bộ, chi hội phụ nữ và họp làng. Công việc này rất khó khăn, nhưng mình luôn cố gắng tìm cách thuyết phục họ bằng được”.

hang chuc truong hop o gia lai bo y dinh tao hon va ket hon can huyet
Bà Đinh Thị Tuyết Nhung (thứ 2 từ trái qua), Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê trao đổi với phóng viên VOV

Từ hiệu quả ban đầu của câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã Ia Hlốp, hiện nay, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê đã thành lập thêm 15 câu lạc bộ tại tất cả các xã, thị trấn, với tổng số 433 thành viên. Không dừng lại ở phạm vi các làng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đầu năm đến nay, một số câu lạc bộ đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức tuyên truyền cho gần 1.600 học sinh THPT tại một số trường có đông học sinh dân tộc thiểu số.

Bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê cho biết, năm ngoái đã phát hiện và ngăn chặn thành công hơn 30 cuộc tảo hôn.

“Ngoài việc tuyên truyền ở làng, chúng tôi tuyên truyền trong trường học, đặc biệt trong trường nội trú. Công tác tuyên truyền cần phối hợp với tư pháp, công an viên xã, đặc biệt là già làng, người uy tín. Nhất là cần phát triển thêm những hội viên nòng cốt có con em trong độ tuổi này, chúng tôi vận động vào trong hội. Đến thời điểm này, chúng tôi thấy câu lạc bộ cơ bản hiệu quả.”

Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại huyện Chư Sê, hiện nay Hội liên Hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai đã nhân rộng mô hình này tại 15/17 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, với tổng số 55 câu lạc bộ và 1.500 hội viên. Với những cách làm sáng tạo và quyết tâm của mình, các câu lạc bộ này góp phần tích cực trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại địa phương./.