Ông Vũ Văn Đảo kêu oan, chỉ ra sai phạm trong tố tụng vụ án. Tòa cho rằng, sai phạm tố tụng nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan vụ án và tuyên ông Đảo 3 năm tù treo.

hai giam doc keu oan trong vu chim ca no o can gio bi tuyen an treo
Ông Vũ Văn Đảo

Vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP. HCM – một vụ án tai nạn giao thông kéo dài nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam cuối cùng được đưa ra xét xử vào ngày 26/11. Trong vụ án này, ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc, ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Vũng Tàu Maria bị cáo buộc tội danh Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Điều đáng nói, trong vụ án này, hai ông Đảo và Quyết đều kêu oan ngay từ quá trình điều tra vụ án. Đặc biệt, các chuyên gia pháp lý khẳng định rằng, vụ án có dấu hiệu oan sai, quá trình điều tra truy tố, cơ quan tố tụng vi phạm hàng loạt quy định về tố tụng làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.

Bên cạnh đó, chiếc ca nô bị nạn là của lực lượng quân đội, trách nhiệm làm rõ vụ việc là của cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, khi hai cơ quan điều tra là của Biên phòng không nhận vụ án, cơ quan điều tra của lực lượng Hải quân xác định không có vụ án hình sự thì cơ quan điều tra Công an TP.HCM lại vẫn quy buộc hai ông Đảo và Quyết phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo nội dung và tiến trình tố tụng của vụ án cho biết: Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.

Tuy nhiên, người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Ngày 17/4/2015, Tòa án Nhân dân TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.

Ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.

Ngày 17/7/2015, Tòa án Nhân dân TP HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2. Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.

Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của Tòa án Nhân dân TP HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.

Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Sau khoảng 3 năm thực hiện 3 lần giám định tư pháp, đến khoảng tháng 6/2018, cơ quan điều tra mới ra quyết định phục hồi điều tra vụ án. Đến tận cuối tháng 8/2018, bản cáo trạng thứ hai trong vụ án mới được tống đạt đến hai ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.

Tại phiên tòa, trong phần bào chữa của mình, ông Vũ Văn Đảo nói rằng: Thông thường khi có vụ án tai nạn hậu quả lớn, cơ quan tố tụng và dư luận xã hội sẽ đặt vấn đề ai là người phải chịu trách nhiệm? Đúng là bất cứ việc gì xảy ra thì cũng phải có người chịu trách nhiệm nhưng giữa trách nhiệm và trách nhiệm hình sự là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Khi giải quyết một vụ án tai nạn giao thông, điều đầu tiên các cơ quan tố tụng phải làm đó là xác định nguyên nhân gây ra tai nạn. Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn ca nô Cần Giờ ngày 2/8/2018, các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành điều tra tai nạn và chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trong các nguyên nhân do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát viện dẫn nêu không có nguyên nhân nào nói về tình trạng kỹ thuật của phương tiện là “rõ ràng không bảo đảm an toàn” - yếu tố bắt buộc để xác định có tội phạm theo quy định tại Điều 214 BLHS hay không.

Điều 214 BLHS 1999 quy định: “Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại….”

Ngay từ khi khởi tố vụ án Cơ quan điều tra đã xác định sai hành vi phạm tội không đúng với hành vi quy định tại Điều 214 BLHS nên đã xác định sai chủ thể.

Chủ thể của Điều 214 BLHS mà có hành vi “cho phép đưa vào vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” chỉ có thể là một trong hai người sau: “Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động” hoặc “Người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật của phương tiện”. Cụ thể trong vụ án này người có quyền “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện” chính là người đăng kiểm phương tiện. Thông qua việc cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật cho phương tiện thì cơ quan đăng kiểm đã cho phép phương tiện được đưa vào sử dụng hay gọi là được lưu thông.

Trường hợp phương tiện chưa được đăng kiểm thì người có quyền “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện” chỉ có thể là chủ phương tiện vì chủ tài sản thì mới có quyền chiếm hữu, định đoạt và quyền sử dụng. Ca nô bị nạn là tài sản của Biên phòng nên chỉ có người của Biên phòng mới có quyền cho phép sử dụng.

Không chỉ hiểu sai hành vi và chủ thể của điều luật áp dụng, Cơ quan điều tra còn hiểu chưa đúng quy định về đồng phạm nên đã khởi tố hai người cùng một hành vi.

Tai nạn giao thông trong bất luận trường hợp nào cũng phải xem là lỗi vô ý nên không thể có đồng phạm trong cùng hành vi. Chỉ những tội mà hành vi là cố ý thì mới có đồng phạm. Nhưng hành vi vô ý này, cơ quan tố tụng lại cáo buộc tội danh hai người.

Bên cạnh đó, ông Vũ Văn Đảo còn chỉ ra việc hình sự hóa hành vi ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, hàng loạt vi phạm tố tụng của cơ quan tố tụng trong vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

“Tôi đề nghị đại diện VKSND TP HCM rút cáo trạng truy tố để Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, tránh xảy ra một vụ án oan sai. Nếu kiểm sát viên không rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2, Điều 157, của BLTTHS 2015 tuyên bố bị cáo Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết không phạm tội”.

Tuy nhiên, sau một ngày xét xử, Hội đồng xét xử của Tòa án Nhân dân TP.HCM cho rằng, mặc dù vụ án có vi phạm tố tụng nhưng mục đích cuối cùng nhằm để đảm bảo tính khách quan của vụ án. Tòa cấp sơ thẩm vẫn nhất quyết cho rằng, ông Đảo và Quyết có khả năng điều động ca nô của lực lượng biên phòng nên tuyên phạt ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết mỗi bị cáo 3 năm tù treo./.