Ngày 31/5, Khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Thị Mây (11 tuổi, Hòa Bình) trong tình trạng ngộ độc thịt cóc.

Mẹ bé Mây cho biết, hai vợ chồng chị đi làm ăn xa, hai cô con gái ở nhà với bà ngoại. Khoảng 8 giờ tối ngày 30/5, hai chị em rủ nhau đi bắt cua, có bắt được một con cóc nên mang về làm thịt, nấu lên cả hai chị em cùng ăn.

Sau ăn khoảng 2 tiếng cả hai chị em cùng có biểu hiện: nôn liên tục, li bì và được gia đình chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu. Tuy nhiên, do ngộ độc quá nặng, chị gái của Mây đã không thể qua khỏi. Mây được cấp cứu, chuyển ngay xuống BV Nhi Trung ương.

hai be song sinh ngo doc thit coc mot truong hop tu vong
Người em hiện đang được điều trị tích cực tại BV Nhi Trung ương.

TS.BS Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bé Mây nhập viện trong tình trạng buồn nôn nhiều, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ.

Ngay khi chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc thịt cóc, có biến chứng rối loạn nhịp tim, bệnh nhân được cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực.

TS Duy khuyến cáo, các ca ngộ độc thịt cóc vẫn xảy ra dải dác, bởi người dân cho rằng trong thịt cóc giàu đạm, kẽm... rất bồi bổ cho cơ thể, đặc biệt là với trẻ suy dinh dưỡng, còi xương.

Đúng là thịt cóc chứa hàm lượng đạm cao và không có độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố nguy hiểm gây chết người là tetrodotoxin. Độc tố này có trong da, gan, trứng, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin – một chất cực độc, dễ gây chết người, Kể cả khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy, khi ăn phải gây ngộ độc nặng nề.

Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, những chất này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc tố nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể nhiễm độc. Độc tố từ những bộ phận này có thể dính vào phần thịt cóc khi chế biến không cẩn thận, là nguyên nhân gây nên ngộ độc, dù nhiều người vào viện cứ khăng khăng đã lột da, bỏ gan cóc, chỉ lấy phần thịt chế biến cho trẻ.

"Ngộ độc độc tố từ cóc tùy từng mức độ có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời. Như trường hợp hai chị em song sinh này, cô chị đã không thể qua khỏi vì ngộ độc quá nặng", TS Duy nói.

TS Duy khuyến cáo các gia đình không nên ăn thịt cóc. Bởi ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn, người ta mới tìm đến thịt cóc. Hiện nay, các loại thịt, cá... đều có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Mạo hiểm cho trẻ ăn thịt cóc dễ gây nguy cơ ngộ độc nếu có sơ sẩy khi chế biến.

Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể, gọi người giúp đỡ…và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.