ha tinh khoi day suc dan trong xay dung nong thon moi

Ðồng hành cùng xã khó khăn

Cách đây ba năm, trong khi nhiều xã ở Hà Tĩnh đã cán đích NTM thì xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà mới đạt bảy trong số 19 tiêu chí NTM. Ngoài nguyên nhân khách quan, là xã thuần nông nhưng toàn bộ diện tích đất sản xuất của địa phương lại nằm ở vùng thấp trũng, hệ thống thủy lợi ít được đầu tư, cho nên việc dẫn nước từ kênh chính của hồ Kẻ Gỗ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ quan là do tình trạng mất đoàn kết, đơn thư khiếu kiện, làm giảm sức mạnh cộng đồng cũng như sự đồng thuận trong toàn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Phó Chánh văn phòng HÐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tuấn Nghĩa cho biết: Sau những buổi làm việc với cán bộ địa phương, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân xã Thạch Thắng, chúng tôi nhận thấy khát vọng vươn lên của bà con rất lớn, phần lớn người dân sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển của quê hương. Tuy vậy, có những lúc công tác điều hành, tuyên truyền, vận động người dân còn thiếu quyết liệt, chưa khơi dậy hết sức dân. Với chức năng của đơn vị hành chính đơn thuần, chúng tôi xác định, việc đăng ký đỡ đầu xã Thạch Thắng xây dựng NTM không có nghĩa là làm thay công việc của địa phương, mà cử cán bộ các phòng chuyên môn xuống làm việc, tư vấn, hướng dẫn cán bộ xã Thạch Thắng nắm bắt và vận dụng các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nguồn lực từ các chính sách đã được lồng ghép, huy động về cho địa phương; xây dựng chương trình soát xét các tiêu chí còn yếu, thiếu, cần hỗ trợ thực hiện và phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ xã lập kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện hoàn thành những tiêu chí này.

Nhờ phát huy được vai trò chủ thể của người dân, chỉ tính riêng trong năm 2017 xã Thạch Thắng đã huy động được hơn 42 tỷ đồng, trong đó: các hộ dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến 10.000 m2 đất, tháo dỡ 2.000 m tường rào, di dời 64 công trình phụ trợ, tham gia 65.150 ngày công để xây dựng gần 25 km đường giao thông nông thôn, bê-tông hóa 5,5 km kênh mương... tạo nền tảng thành lập tám tổ hợp tác, 10 hợp tác xã, bốn doanh nghiệp, xây dựng 34 mô hình kinh tế, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, góp phần đưa xã Thạch Thắng đạt chuẩn NTM trong năm 2017.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân cho biết, so với 10 xã đạt chuẩn NTM của huyện từ năm 2016 trở về trước, các xã còn lại ở địa phương có xuất phát điểm thấp hơn. Vì vậy, cùng với việc điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là từ các phòng, ban cấp huyện về xã để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương xây dựng NTM, Thạch Hà còn duy trì có hiệu quả phong trào "Ngày về cơ sở xây dựng NTM", bằng việc kêu gọi cán bộ, công chức về làm việc cùng nhân dân vào các ngày thứ bảy, vận động cán bộ, đảng viên các địa phương cùng giúp nhau xây dựng NTM. Chỉ tính riêng thời điểm ra quân 100 ngày cao điểm nước rút về đích cuối năm 2017, huyện đã huy động 355.778 lượt người tham gia xây dựng NTM, chỉnh trang thôn xóm.

Không chỉ có Thạch Hà, được biết thực hiện chủ trương hỗ trợ, đỡ đầu các xã xây dựng NTM, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi 75 đơn vị, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, tài trợ cho các xã xây dựng NTM với tổng số tiền huy động hơn 570 tỷ đồng. Ngoài ra, con em địa phương xa quê cũng đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng. Hoạt động đỡ đầu của các cá nhân, doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực, tăng thêm sự gắn kết, sẻ chia giữa cán bộ với nhân dân, tạo động lực, hứng khởi cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong xây dựng NTM.

Ðưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Quốc Khánh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vừa là mục tiêu xuyên suốt và là giải pháp cụ thể để đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững. Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 (Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu) nhằm khai thác tối đa tiềm năng kinh tế vườn hộ. Trong tổng số hơn 7.000 hộ dân đăng ký xây dựng vườn mẫu, tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận 2.086 vườn đạt chuẩn (có mức thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm). Tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu không chỉ góp phần quan trọng tạo nên những vùng quê xanh, sạch, đẹp mà còn thay đổi được tập quán sản xuất, khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi, từ đó tăng thu nhập và làm giàu cho nhiều hộ nông dân.

Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh cho biết, đầu năm 2017, ban chỉ đạo NTM tỉnh đã yêu cầu các địa phương triển khai rà soát, đánh giá lại các xã đạt chuẩn NTM trước năm 2015. Qua kiểm tra, đánh giá và đối chiếu với quy định mức độ đạt chuẩn, tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM đối với hai xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) và Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh). "Ðây là việc làm cần thiết để nhắc nhở các xã cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, xây dựng NTM không chỉ trước mắt mà phải thường xuyên, liên tục và lâu dài". Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh nhấn mạnh.

Những ngày này, đi khắp các làng quê ở Hà Tĩnh, đến đâu cũng cảm nhận được sự đổi thay trên mỗi nếp nhà, ngõ xóm. Về Tiên Ðiền (huyện Nghi Xuân) đắm mình trong các làn điệu ca trù, ví, dặm, chèo Kiều mới thấy trân quý hơn những giá trị văn hóa truyền thống được người dân gìn giữ, phát huy. Có dịp được tham gia sinh hoạt với các dòng họ hiếu học, dòng họ tự quản tại Tùng Ảnh (huyện Ðức Thọ) đọc kỹ quy ước, hương ước các tổ dân phố, thôn xóm ở Thạch Châu (huyện Lộc Hà) sẽ thấm thía sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Bằng văn hóa, từ văn hóa, các cộng đồng dân cư đã cố kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Theo như cách nói của Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam, xây dựng con người NTM không còn là khái niệm xa vời đối với cư dân nông thôn ở đây. Với bề dày văn hóa truyền thống của quê hương, bà con luôn tự bảo ban nhau gìn giữ gia phong, sống có trước có sau, có nghĩa có tình; động viên nhau đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống giàu đẹp, trù phú cho quê hương mình.