Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, với những lớp sĩ số học sinh (HS) quá cao, sẽ bố trí tăng thêm giáo viên quản lý, không để tình trạng 1 giáo viên phụ trách tới 60 em như tại một số trường hiện nay.

Như Dân trí đưa tin trước đó, áp lực sĩ số ở Hà Nội đã xảy ra trong nhiều năm nay. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp tiểu học thành phố Hà Nội mới đây, bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cũng thừa nhận, một trong những vấn đề còn tồn tại của năm học 2017-2018 ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố là quy mô trường, lớp quá đông.

Năm nay, toàn thành phố có gần 680.000 HS, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng hơn 30.000 HS so với năm học 2016-2017. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày đạt 96,3%. Sĩ số trung bình một lớp ở các nhà trường đạt 40 HS, tuy nhiên một số trường có sĩ số lên đến 60 HS/lớp.

ha noi co the tang giao vien de giam ap luc si so
Năm nay, toàn thành phố có gần 680.000 HS, theo học tại 745 trường tiểu học, tăng hơn 30.000 HS so với năm học 2016-2017.

Sự quá tải dồn vào một số quận huyện như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy… khiến một số trường áp lực nặng nề về sĩ số, lớp học lên đến hơn 60 em, có lớp 3 HS/bàn. Có quận, sĩ số HS tăng năm nay bằng cả một trường mới.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, địa bàn mình có 8 trường tiểu học. Có thể do HS lứa “rồng vàng” nên năm nay quận Tây Hồ phải tăng chỉ tiêu lên so với năm ngoái 520 HS/8 trường tiểu học. Ngoài ra, quận phải tuyển vượt chỉ tiêu so với tổng là 270 em. Như vậy, tổng HS tăng quá chỉ tiêu năm nay của quận Tây Hồ là 790 em, tương đương cả một trường mới.

Để giảm tải cho Trường Tiểu học Chu Văn An, theo ông Vũ, quận này phải tăng thêm 2 lớp để 100 HS nộp hồ này sang hai trường tiểu học bên cạnh là Tiểu học Xuân La và Tiểu học Đông Thái nhằm giảm tải cho Trường tiểu học Chu Văn An, nếu không sức ép sẽ rất kinh khủng.

ha noi co the tang giao vien de giam ap luc si so
Với những lớp sĩ số học sinh quá cao, sẽ bố trí tăng thêm giáo viên quản lý. (Ảnh: Minh họa).

Góp ý với PV Dân trí về việc trước mắt làm sao đối phó với tình trạng áp lực sĩ số ở Hà Nội hiện nay, ông Vũ cho rằng: “Hà Nội vừa rồi bỏ ra 1.900 tỉ đồng, xây dựng được khoảng 2. 200 phòng học, đáp ứng nhu cầu của 11.000 HS, tức chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1/3 số HS vào năm nay. Với số dân đô thị hóa như hiện tại, quỹ đất nhiều khu vực thiếu thốn, sẽ không bao giờ đáp ứng được hết”.

Do đó theo ý kiến riêng của ông Vũ, cấp tiểu học rất áp lực, vậy tại sao không bỏ chi phí để biên chế thêm một giáo viên/lớp? Như vậy, mỗi lớp sẽ có một giáo viên trợ giảng, một giáo viên chính.

“Điều này vừa giải quyết công ăn việc làm cho giáo viên, một cô giảng chính còn một cô trợ giảng sẽ làm việc với các nhóm HS nhỏ, rất tiện lợi cho việc dạy/học”, ông Vũ đề xuất.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, điều khó khăn mà các trường sẽ không thực hiện cách thức này đó là sẽ động chạm đến quyền lợi chính đáng của từng giáo viên: “Chẳng hạn một HS học 2 buổi/ngày, đóng 100.000 đồng/buổi. Nếu lớp có 70 HS sẽ được 7 triệu đồng nhưng nếu chia đôi giáo viên sẽ chỉ được 3.500.000 đồng/cô. Đấy là quyền lợi kinh tế nhưng tôi nghĩ các trường nên đặt quyền lợi của HS là điều quan trọng nhất”.