ha noi co nhieu vu khieu nai to cao gay gat phuc tap

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTCP).

Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức hội nghị giao ban công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân khu vực phía Bắc tuy có giảm về số lượt người và số đoàn đông người nhưng lại xuất hiện nhiều vụ việc có tính chất gay gắt, phức tạp, có hành vi vi phạm pháp luật.

Điển hình như vụ việc khiếu kiện, giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (4/2017); vụ việc tập trung đông người phản đối, ngăn cản cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng tỉnh lộ 277 đoạn từ thị xã Từ Sơn đến thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (4/2017);

Khiếu kiện của hàng trăm hộ dân liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn qua thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; vụ việc trên 200 hộ tiểu thương phản đối di chuyển Chợ Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), đơn thư của công dân liên quan Chợ Ninh Hiệp (Hà Nội);

Khiếu kiện của các đoàn đông người tại Hà Nội phản ánh liên quan thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị tại phường Dương Nội (Hà Đông), phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), công dân quận Hoàng Mai (Hà Nội),…

Thanh tra Chính phủ đánh giá, đa số các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp tại các tỉnh thành phố khu vực Miền Bắc, cũng như cả nước nói chung thời gian vừa qua, hầu hết là các vụ việc cũ để lại, đã được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều lần, tuy nhiên công dân vẫn khiếu kiện với thái độ gay gắt, bức xúc, ít nhiều ảnh hưởng tình tình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nguyên nhân xuất phát từ chính sách pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chưa giải quyết được vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá bồi thường về đất.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn có nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, chính sách xã hội ở nông, lâm trường, tái định cư…

Có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không xây dựng mà để hoang; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định. Pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những thiếu sót, hạn chế như về vị trí, vị thế, quyền hạn, tổ chức hoạt động của ngành thanh tra còn hạn chế nhất định so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Chế tài xử lý đối với việc vi phạm pháp luật trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quy định cụ thể…

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, của thủ trưởng các cơ quan nhà nước, nhất là Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ông Sáu đặc biệt lưu ý các địa phương phía Bắc quan tâm tới những nguy cơ tiềm ẩn làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan tới đất đai, tôn giáo. Các địa phương không chủ quan với việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đề nghị các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng. Đồng thời tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cấp, ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với việc thực hiện chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện và phối hợp với kiểm toán cũng như thanh tra các bộ, ngành để xử lý chồng chéo ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra.

Ông Sáu cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm xử lý chồng chéo giữa thanh tra tỉnh, thành phố với các sở, ngành, huyện thị trong tỉnh.