Thời gian gần đây, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông tại Hà Nội như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm gia tăng. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn và ùn tắc giao thông, nhất là những giờ cao điểm. Trong khi đó, công tác quản lý về trật tự an toàn giao thông của thành phố có dấu hiệu buông lỏng.

Những ngày này, nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội thường xuyên bị ùn ứ trong giờ cao điểm như: Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, Láng, Nguyễn Trãi, Đê La Thành, Cầu Giấy, Khuất Duy Tiến…

ha noi co dau hieu buong long quan ly ve trat tu an toan giao thong
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân không chấp hành luật giao thông. Điều đáng lo ngại là nhiều người đi ngược chiều trên những tuyến đường mà tốc độ phương tiện đi nhanh như đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Rẽ, Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Chương Mỹ, đường Võ Nguyên Giáp, đường từ cầu Nhật Tân lên sân bay Nội Bài.

Trong khi đó, những tuyến đường ở trung tâm thành phố như: Ô Chợ Dừa, Giải Phóng, Tôn Đức Thắng, Chu Văn An, việc người dân vượt đèn đỏ rất phổ biến. Đây là lý do mà một người tham gia giao thông giải thích cho hành vi vi phạm luật giao thông của mình.

“Biết là mình sai nhưng không còn cách nào khác bởi vì bên kia 2 hàng ô tô đi hết rồi, xe máy chúng tôi đi đường nào. Nhiều lúc mình muốn đi chấp hành nghiêm chỉnh nhưng thấy mọi người cứ đi ầm ầm bên kia, bên này mình cứ èn èn đi thì đến bao giờ. Nhiều lúc mình cũng theo đám đông, thấy mọi người đi mình cũng đi nên trở thành cả đoàn như vậy”,

Ông Nguyễn Văn Tài ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ lo ngại: “Đi trên đường nhiều khi bức xúc lắm. Dân mình đi nhiều khi vượt đèn đỏ, đi sai là, lấn đường nhiều lú rất nguy hiểm”.

Theo quy định hiện nay của Công an thành phố Hà Nội, chỉ có tổ tuần tra lưu động thuộc các đội Cảnh sát giao thông mới được xử phạt người vi phạm luật giao thông. Còn cán bộ, chiến sỹ trực tại các chốt chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn điều khiển giao thông. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm, lực lượng chốt trực chỉ được giữ phương tiện và phải gọi tổ tuần tra đến để lập biên bản xử phạt.

Đại úy Nguyễn Minh Tân, Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 14, Công an Hà Nội cho biết, trên địa bàn đơn vị phụ trách có rất nhiều chung cư cao tầng với lượng người sinh sống và đi lại rất đông, gây khó khăn về tình hình trật tự an toàn giao thông. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đơn vị đã bố trí lực lượng, như chỗ tôi đang đứng là nút giao Giải Phóng – Nguyễn Hữu Thọ là điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Chúng tôi mong người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông và ủng hộ lực lượng Cảnh sát giao thông để giao thông của Hà Nội được thông suốt, an toàn.

Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm, đoàn Hà Nội cho rằng, việc xử phạt chưa nghiêm, với mức xử phạt như hiện nay chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều người tham gia giao thông coi thường luật lệ. Trong thời gian tới, chúng ta cần nâng mức xử phạt đối với người vi phạm luật giao thông.

Đại biểu Quốc hội Thích Bảo Nghiêm nêu ý kiến: “Chúng ta phải có một chế tài nghiêm minh. Đã vi phạm là nhất định phải bị phạt. Nếu như lần thứ nhất, lần thứ hai vi phạm vẫn không bị xử phạt là họ sẽ khinh nhờn luật giao thông. Thực tế hiện nay là phương tiện đi ngược chiều, đi vào đường cấm, gần đây nhiều người còn không chấp hành đội mũ bảo hiểm, nhất là giới trẻ”.

Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, mức độ vi phạm luật giao thông ở Hà Nội nhiều như hiện nay có nguyên nhân từ công tác quy hoạch không gian đô thị, khi để người dân ở trong khu vực lõi đô thị là quá lớn, dẫn đến mật độ phương tiện tham gia giao thông quá đông trên một nền tảng kết cấu giao thông rất hạn chế. Vì vậy, khi đường tắc, nếu vỉa hè còn chỗ thì người dân sẽ đi lên vỉa hè.

“Hiện nay, chúng ta không khó để nhìn thấy kể cả sáng sớm hay tối muộn, nếu không có bóng dáng của lực lượng chức năng thì hành vi vi phạm rất nhiều. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là không có một quốc gia nào trên thế giới có đủ nguồn lực để bố trí cảnh sát giao thông ở tất cả các nút giao thông. Chúng ta phải có trang thiết bị để giám sát, phạt nguội một cách hiệu quả. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh về vấn đề quản lý chính chủ. Vấn đề quản lý phương tiện người lái theo địa điểm cụ thể là rất quan trọng để chúng ta có thể xử phạt nguội một cách hiệu quả”, Tiến sĩ Hữu Minh nói.

Các chuyên gia về lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, vấn đề hiện nay là Hà Nội cần tạo ra môi trường giao thông thông thoáng cho người dân bằng cách hạn chế phương tiện cá nhân và tổ chức lại không gian đô thị ở những nơi đã tập trung quá đông dân hay những nơi có quá nhiều chung cư cao tầng. Khi ít người vi phạm hơn, thì việc kiểm tra, xử phạt sẽ đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc quản lý được hồ sơ vi phạm để xử phạt lũy tiến đối với hành vi vi phạm luật giao thông; việc ứng dụng các nền tảng để phạt “nguội” đối với người vi phạm là công cụ hữu hiệu để lập lại kỷ cương trong công tác quản lý. Qua đó dần hình thành nên nét văn hóa đẹp khi tham gia giao thông của người dân Hà Nội./.