Qua rà soát, TP.Hà Nội có 188.600ha đất nông nghiệp, chiếm 56,34% tổng diện tích đất tự nhiên. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 271.161ha, trong đó, diện tích trồng lúa là 189.862ha, cây lâu năm 20.881ha, rừng và đất lâm nghiệp 27.756ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 21.200ha. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến nay đạt 25%.

ha noi co 76 xa chan nuoi trong diem 4000 trang trai quy mo lon

Mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao đang mang lại thu nhập cao cho người dân Thủ đô. Ảnh: I.T

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện có 17.011 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 13.513 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản (1.427 công ty, doanh nghiệp và 15.584 hộ sản xuất, kinh doanh) và gần 200.000 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Về khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.Hà Nội, sản phẩm thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Các mặt hàng khác như: gạo mới đáp ứng đủ 35%; thịt bò khoảng 15%, thủy hải sản khoảng 3%; thực phẩm chế biến 25%; rau, củ 65%, trái cây an toàn; truy xuất nguồn gốc đáp ứng được 30% nhu cầu.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Ngoài ra, thành phố đã phát triển các vùng sản xuất chất lượng, chuyên canh tập trung gồm: 157 cánh đồng mẫu lớn; vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành; diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo đạt hơn 5.000ha.

Hà Nội cũng đã hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 26 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Toàn thành phố có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó: 65 mô hình ứng dụng công nghệ cao về trồng trọt, 34 mô hình ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi, 4 mô hình ứng dụng công nghệ cao về thủy sản và 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao về bảo quản chế biến.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm đầu ra cho nông sản, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đáng chú ý, sẽ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các quy hoạch; tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững và có lượng hàng hóa lớn; khuyến khích, tạo cơ chế hỗ trợ hình thành các tổ chức dịch vụ gồm: tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nông thôn.../.