Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, tỉnh Hà Nam ưu tiên đầu tư cho 28 xã và tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa, các biện pháp nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng hệ thống chính trị và đời sống văn hóa nông thôn,... Ðến nay, tổng số vốn huy động cho chương trình này đạt hơn 4.638 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 677,77 tỷ đồng, vốn lồng ghép các dự án là 2.221,9 tỷ đồng,... Tỉnh đã hỗ trợ 316 nghìn tấn xi-măng; nhân dân hiến hơn 308.580 m2 đất, chặt, bỏ hàng nghìn cây ăn quả và nhiều tài sản khác, góp phần hoàn thành 1.757 km đường giao thông nông thôn. Có 1.378 phòng học, 259 nhà văn hóa thôn, xóm được xây mới,...

Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Hà Nam phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 3.786 mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường; 365 mô hình trồng nấm ăn. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 22 triệu đồng/năm, gần bằng mức bình quân chung của tỉnh là 23,4 triệu đồng/năm.

* Tỉnh Kiên Giang tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc. Tỉnh chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch. Tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số và xuất bản sách, sáng tác văn học, nghệ thuật bằng tiếng dân tộc thiểu số. Tiếp tục tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử đã được Nhà nước công nhận ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; phát huy vai trò, uy tín của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển con người toàn diện trong đồng bào các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Theo Nhandan