Số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, tính chung quý I năm nay, doanh nghiệp (DN) mới thành lập ở nước ta vẫn tiếp tục tăng cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) lại giảm 0,38% so với cùng kỳ 2016. Vậy vì sao DN ngày càng nhiều nhưng GDP vẫn không có đột phá, trong khi DN được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế?

gso ly giai doanh nghiep moi tang manh nhung gdp van chua dot pha

Quý I năm nay, cả nước có 26.478 DN đăng ký thành lập mới(ảnh minh họa: KT)

Phân tích về mối quan hệ này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho rằng, DN ở nước ta thành lập mới tăng nhưng chủ yếu về lượng, còn chất thì vẫn hạn chế.

Bởi vì theo điều tra các năm thì nhìn chung các DN mới thành lập và các DN mới đi vào hoạt động đều tăng, tuy nhiên chủ yếu các DN này có quy mô rất nhỏ khiến số lượng DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ chiếm đến trên 97%.

Cho nên, dù tăng số lượng DN nhưng quy mô DN vẫn là nhỏ và vừa dẫn đến quy mô bình quân của DN về nhân công, vốn cũng như giá trị tăng thêm mà DN tạo ra giảm dần trong thời gian gần đây. Điều này dẫn đến mặc dù tăng số lượng DN nhưng quy mô lại giảm dần.

Thực tế quý I năm nay, cả nước có 26.478 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số DN và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9%.

Trong khi đó, GDP quý I năm 2017 ước tính chỉ đạt 5,10%, thấp hơn so với mức 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ 2016.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bổ sung rằng, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng đóng góp tăng trưởng kinh tế chưa được như kỳ vọng. Trong số các doanh nghiệp mới thành lập thì có hơn 40% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ có hơn 11% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế tạo, lĩnh vực có ảnh hưởng tới chỉ số tăng trường.

“Nhìn vào cơ cấu và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập để thấy được tại sao số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều mà kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng”, ông Lâm nhấn mạnh.

Và lý giải cụ thể hơn nữa về nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế quý I/2017 thấp hơn so với cùng kỳ 2016, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia cho biết, có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, do tình trạng xâm nhập mặn từ năm 2016 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo đó, diện tích vụ lúa mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm 55.000ha, vụ Đông Xuân giảm 17.000ha, dẫn tới sản lượng giảm hơn 330 ngàn tấn.

Thứ hai, do ngành công nghiệp tăng trưởng thấp và giảm so với 2016, chủ yếu là các lĩnh vực: chế biến chế tạo (tăng 8,3% trong khi năm 2016 tăng 8,99%); chế biến thực phẩm và sản xuất điện tử giảm -1% trong khi năm 2016 tăng 11%.

Thứ ba, việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình hoạt động đã ảnh hưởng tới ngành khai khoáng, dầu thô, khí, than đều tăng trưởng âm. Toàn ngành khai khoáng chỉ đạt 90%.

Với thực tế tăng trưởng GDP quý 1 như vậy, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay 6,7%, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho các quý tiếp theo.

Theo ông Lâm, 9 tháng còn lại của năm nay, GDP phải tăng 7%. Nên để thực hiện mục tiêu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết 01 đã đề ra cùng các chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó tập trung điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khóa, có giải pháp huy động nguồn vốn cho đầu tư công, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy hàng hóa trong nước…./.