Hơn 20 năm vẫn đang “xem xét”

Trao đổi với PV Dân trí ngày 15/3, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, rất đáng tiếc vì hai đề xuất trên đây đã bị gác lại. Theo ý kiến của GS, nội dung sửa đổi luật phải dựa trên các căn cứ khoa học và thực tiễn. Tất nhiên, mỗi đề xuất đều có lý do nhưng các căn cứ phải thuyết phục.

Về vấn đề “lương của giáo viên phải xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp”, theo GS Thi, đây là quan điểm của Đảng trong thời gian khá dài, không phải đến Nghị quyết 29- NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Điều này đã có từ Nghị quyết T.Ư năm 1996.

“Nghị quyết của Đảng mang tính định hướng, không yêu cầu thực hiện ngay lập tức nhưng phải có độ trễ ở hạn định nào đó chứ không phải trên 20 năm vẫn đang “xem xét” và chưa đưa được vào cuộc sống”, GS Thi cho hay.

gs dao trong thi gia nhu quoc hoi thao luan viec tang luong va mien hoc phi thcs
GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Mỹ Hà)

Ông phân tích thêm, thông qua Nghị quyết của mình, T.Ư Đảng đã cân nhắc đến tính khả thi. Tất nhiên, nó mang tính định hướng để triển khai thực hiện nhưng 20 năm là quá đủ và các cơ quan nhà nước phải thể chế Nghị quyết đó đưa vào cuộc sống.

“Nhưng trong suốt 20 năm qua, chúng ta vẫn chưa thực hiện được nên theo tôi, cần thể chế hóa trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là luật thì mới thực hiện được. Bởi nếu như đưa vào văn bản thấp hơn cơ quan ban hành vẫn có thể thay đổi. Chẳng hạn, Nghị định có thể Chính phủ thay đổi, hoặc Thông tư thì bộ có thể thay đổi. Do đó, thể chế hóa trong luật bởi chỉ có Quốc hội mới thay đổi luật.

Ngoài ra theo tôi, vấn đề “lương của giáo viên phải xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp” vẫn chỉ là nội dung chưa được cụ thể hóa. Kể cả đưa và luật, chúng ta cũng chưa thể thực hiện ngay mà còn phải xem mức độ ưu tiên ở mức nào, hình thức ưu tiên ra sao và cả cách thực hiện.

Thực ra đây vẫn chỉ là nguyên tắc nhưng nguyên tắc đó cần phải thể chế hóa trong luật. Giá như Chính phủ xem xét hai đề xuất trên đây, đồng thời đưa ra Quốc hội thảo luận, sau đó mới quyết định thì hợp lý hơn. Khi đó, chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm cụ thể hóa với hình thức ra sao, lộ trình thực hiện như thế nào, nghĩa là chúng ta vẫn còn độ “giãn” để tính toán cụ thể các vấn đề bởi chưa thực hiện ngay lập tức. Một quan điểm đã có trong Nghị quyết của Đảng, sau 20 năm vẫn nói chưa thực thi, tôi cho là trái với đường lối của Đảng”, GS Thi chia sẻ.

Miễn học phí THCS: Cần chiến lược dài hơi

Về việc miễn học phí cho cấp THCS, theo GS Thi, đây là mong ước nhưng mang chiến lược dài hơi hơn.

Định hướng này đã được quy định trong hiến pháp. Hơn nữa, THCS đã được quy định từ lâu là cấp học phổ cập. Đã phổ cập, không những Nhà nước phải tạo điều kiện cho con em học tập mà còn mang tính bắt buộc phụ huynh và học sinh thực hiện. Bắt thực hiện nhưng không tạo đủ điều kiện để các em thực hiện thì rất vô lý.

“Tôi cho rằng, miễn học phí cho THCS là mong muốn, cao cả hơn lương giáo viên nhưng cần chiến lược. Còn vấn đề lương giáo viên là vấn đề cấp bách bởi muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải chăm sóc giáo viên bằng cách lo cho đời sống của họ.

Chúng ta yêu cầu họ nhiều nhưng ngãng chính sách đãi ngộ là không được. Đấy không phải ưu ái cho đội ngũ giáo viên so với ngành nghề khác, phải hiểu đó là vì chất lượng của con em sau này. Nếu ai cũng hiểu được điều đó thì không nên so bì và nên ủng hộ”, GS Thi phân tích.

gs dao trong thi gia nhu quoc hoi thao luan viec tang luong va mien hoc phi thcs
Theo GS Đào Trọng Thi, miễn học phí cho sinh viên sư phạm không tác dụng mạnh bằng chăm lo đời sống giáo viên. (Ảnh minh họa)

Miễn học phí không tác dụng mạnh bằng chăm lo đời sống giáo viên

Được biết, trong Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, vấn đề miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã được sửa đổi. Theo đó, không quy định miễn học phí đối với HS, SV Sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.

Học sinh, sinh viên Sư phạm sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm và giao Chính phủ quy định cụ thể về chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với HS, SV khối ngành này.

Theo GS Đào Trọng Thi, miễn học phí cho SV sư phạm đã từng là chính sách vô cùng hiệu quả cách đây hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, đến hiện nay đã kém hiệu quả, và lạm dụng do các em không phục vụ cho ngành giáo dục.

“Thực ra, việc miễn học phí không tác dụng mạnh bằng cách chúng ta chăm lo cho đội ngũ giáo viên bởi lương là động lực để thu hút các em vào ngành sư phạm. Tôi ủng hộ cả hai điều: Cả miễn học phí và cả tăng lương giáo viên nhưng phải có cách làm khác để chống lãng phí. Đấy là hình thức vay tín dụng ưu đãi. Nếu em nào hoạt động trong ngành giáo dục thời gian bao nhiêu năm thì không trả lại còn nếu không thì phải trả lại”, GS Thi nói.