go nut that trong cong tac danh gia can bo

Đánh giá cán bộ càng chính xác thì việc khen thưởng, bố trí,

sử dụng cán bộ càng công tâm, minh bạch. (ảnh minh họa: HH)

Đánh giá cán bộ là một công việc trọng yếu của công tác cán bộ luôn được các cấp ủy đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Ở không ít nơi, việc đánh giá vẫn chưa phản ánh thực chất đội ngũ cán bộ. Nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện nể nang, né tránh, sợ mất lòng hoặc nắm không chắc cán bộ, không đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ. Đây là những vấn đề cần phải được nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp quyết liệt khắc phục.

Tại Tỉnh ủy Bắc Kạn, giai đoạn 2013 – 2015, thông qua công tác đánh giá cán bộ, hàng năm, toàn tỉnh có 33,2% cán bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 64,05% cán bộ xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, 2,71% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và 0,04% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Số lượng cán bộ được xem xét đưa vào các chức danh quy hoạch bảo đảm đạt hệ số từ 1,5 – 2 lần; hơn 1.500 lượt cán bộ được điều động, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại và giới thiệu ứng cử các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở; trên 2.600 lượt cán bộ được bố trí đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị và trên 10.200 lượt cán bộ được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ.

Tuy nhiên, theo Tỉnh ủy Bắc Kạn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đánh giá cán bộ những năm qua vẫn còn một số mặt hạn chế cần khắc phục như: Kết quả đánh giá cán bộ vẫn chưa được thật sát và thực chất về năng lực; việc tự đánh giá kết quả công tác của cán bộ nhìn chung còn máy móc, sao chép theo nguyên mẫu, thiếu tính tổng hợp; việc tham gia đóng góp ý kiến nhận xét, đánh giá đối với cán bộ tại các cuộc họp còn rất hạn chế, nhất là khi tham gia góp ý kiến cho lãnh đạo đơn vị, chỉ nhấn mạnh và nêu nhiều về ưu điểm…

Đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Tổ chức Trung ương chỉ rõ 4 hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ là: Nể nang, dĩ hoà vi quý; chạy theo thành tích; cục bộ; lợi ích nhóm. Đồng chí cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, theo thang điểm, lượng hoá và phải xây dựng vị trí việc làm để công tác đánh giá cán bộ chất lượng, hiệu quả hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Kạn, để đánh giá cán bộ chính xác, cần xác định vị trí việc làm, sắp xếp đúng khung năng lực cụ thể. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng lượng hoá tối đa, xác định cụ thể đầu mối công việc, các giải pháp sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Cần phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện quy chế dân chủ để khắc phục tình trạng nể nang, dĩ hoà vi quý trong đánh giá cán bộ.

Từ thực tiễn công tác cán bộ đang đặt ra yêu cầu cấp thiết, cần có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác này. Một trong những giải pháp quan trọng là cần xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá cán bộ. Trong đó, tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá cán bộ phải được lượng hóa và phải đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, thiết thực, phù hợp với từng chức danh. Như vậy, mới khắc phục được tình trạng cảm tính trong đánh giá cán bộ hiện nay, đưa công tác này đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của đổi mới công tác cán bộ.

Tại Tỉnh ủy Thanh Hóa, hơn 3 năm nay đã xây dựng và ban hành triển khai quy chế đánh giá cán bộ quản lý. Theo đó, quy chế đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cho từng chức danh cán bộ, trong từng tiêu chí cũng đã lượng hóa thành thang điểm cụ thể tương ứng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với từng cán bộ. Quy chế xác định rõ tiêu chí đối với 2 nhóm cán bộ: Nhóm tiêu chí chung gồm phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống chiếm tối đa 30 điểm; thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao chiếm tối đa 70 điểm. Nhóm tiêu chí cụ thể xây dựng cho từng chức danh. Cụ thể là: Bí thư, Phó Bí thư huyện (thị, thành) thì phải làm gì; Trưởng các ban, đoàn thể phải làm gì…

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhưng trong những năm qua, Đảng ta nói chung và Tỉnh ủy Thanh Hóa nói riêng vẫn xác định đây vẫn là khâu yếu và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các khâu khác như bố trí, sử dụng cán bộ, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng cho rằng, nếu chúng ta đánh giá không đúng, không chính xác thì sẽ bố trí sai, thậm chí làm thui chột cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ và nhân dân. Để tránh tình trạng đánh giá cán bộ không chính xác, chủ quan, duy ý chí, “yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu”, nên từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành quyết định về đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên. Trong đó đưa ra bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng, có thang điểm, nội dung đánh giá tập trung về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xem có vấn đề gì mới, vấn đề gì nổi bật, vấn đề gì đột phá của tập thể và cá nhân tại những địa phương, đơn vị đó. Cùng với đó, soi vào những nguyên tắc căn bản của Đảng để đánh giá xem là nội bộ có đoàn kết thống nhất hay không, có thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng hay không và niềm tin của cán bộ, nhân dân ở đó với cấp ủy, chính quyền như thế nào.

Cùng với đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa tiến hành đánh giá cán bộ hằng năm, đánh giá trước khi bổ nhiệm, trước khi bầu cử. Đánh giá cán bộ không dừng lại ở trong phạm vi hẹp mà mở rộng dân chủ, mở rộng đối tượng đánh giá. Khi cấp trên đánh giá cấp dưới thì công khai, minh bạch để mọi người cùng biết.

Tiêu chí rõ ràng cùng với việc lượng hóa các tiêu chí bằng các mức điểm cụ thể giúp cho các cấp ủy, địa phương, đơn vị đánh giá cán bộ có cơ sở hơn thay vì việc đánh giá theo cảm tính trước kia. Hơn nữa, quy trình đánh giá cũng được tiến hành một cách chặt chẽ hơn trước. Đánh giá qua 5 bước nên kết quả đánh giá được khách quan hơn. Đánh giá theo quy chế mới, trung bình mỗi năm có từ 5-7% cán bộ có sự thay đổi mức độ xếp loại so với tự xếp loại.

Theo bộ tiêu chí đánh giá của Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2015, có 39,5% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi đó, năm 2011 (khi chưa thực hiện quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý), con số này là 56%. Tuy số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có giảm đi, song theo Tỉnh ủy Thanh Hóa, không phải do chất lượng cán bộ kém đi mà là do đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Đã có những đồng chí lãnh đạo cấp huyện bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ chiếu theo các tiêu chí, thang điểm trong quy chế, cùng với đó, nhiều đồng chí hoàn thành tốt, xứng đáng với niềm tin của nhân dân tiếp tục được đề bạt lên các vị trí cao hơn.

Theo đồng chí Đỗ Trọng Hưng, cái được lớn nhất là khắc phục được tình trạng đánh giá cán bộ một cách phiến diện hoặc cảm tính, nhất là mang tính áp đặt chủ quan của người đứng đầu. Qua cách đánh giá theo lượng hóa sẽ mang tính khách quan, dân chủ, chính xác, giúp cấp ủy nắm chắc được tình hình cán bộ và là cơ sở để các cấp ủy đưa vào bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây chính là chìa khóa để gỡ “nút thắt” trong công tác đánh giá cán bộ của tỉnh trong những năm qua.

Được biết, để khắc phục những tồn tại trong công tác đánh giá cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương hiện đang xây dựng một đề án về xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ. Tinh thần chung của đề án là phải đưa ra được những tiêu chí cụ thể, dễ làm, dễ thực hiện, từ đó nâng cao chất lượng công tác đánh giá để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn cuộc sống, nói đi đôi với làm, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chủ trương, Ban Tổ chức Trung ương hiện đang xây dựng dự thảo đề án, trong đó, các vụ đang tập trung nghiên cứu, tổng hợp từ các cấp ủy, địa phương để xây dựng các tiêu chí cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, hướng tới mục tiêu càng cụ thể càng dễ đánh giá chính xác, được mọi người đồng tình cao./.