Gần 40 năm hoạt động, lần đầu tiên hồ thủy lợi Phú Ninh ở tỉnh Quảng Nam thiếu hụt lượng nước đáng kể giữa mùa mưa. Hiện, mực nước dâng tại hồ chỉ đạt cao trình 26,3m; trong khi mực nước dâng bình thường ở hồ là 32m, mùa mưa có thể lên đến 35m.

giua mua mua nong dan quang nam khat nguon nuoc tuoi
Các hồ đập nhỏ ở miền Trung đang ở mực nước chết.

Hồ Phú Ninh cung cấp nước tưới cho khoảng 23.000 héc ta lúa và hoa màu của thành phố Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, một phần diện tích của huyện Duy Xuyên.

Ngoài ra, mỗi tháng, hồ còn cung cấp cả triệu m3 nước sinh hoạt cho người dân.

Vụ sản xuất Đông - Xuân sắp tới, dự báo những nơi phụ thuộc nguồn nước tưới từ hồ Phú Ninh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất.

Ông Võ Văn Ba ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương nằm khá xa tuyến kênh chính Bắc Phú Ninh, nên muốn đưa nước về ruộng, bà con phải thức khuya dậy sớm be bờ giữ nước: “Điều mà nông dân lo thì tất nhiên rồi. Vì biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thì rất khó làm. Nông dân bây giờ rất khó khăn. “Nhất nước, nhì phân” mà nước không có thì nông dân không thể làm chi được hết”.

Để đối phó với tình trạng thiếu nước giữa mùa mưa, hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, một số nơi ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam chủ động chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng các loại rau màu.

giua mua mua nong dan quang nam khat nguon nuoc tuoi
Dòng sông Tranh dưới đập thủy điện Sông Tranh 2 cạn khô.

Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên cho biết, vụ Đông - Xuân tới đây, ngành nông nghiệp huyện cùng với chính quyền các địa phương vận động nông dân chuyển đổi từ 200 ha đến 300 ha đất lúa không chủ động nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, mè, đậu xanh…; khuyến cáo bà con sử dụng các loại giống lúa trung và ngắn ngày để gieo sạ trên diện tích khoảng 3.650ha.

Đồng thời, triển khai đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt tại khu vực cầu Đen; bố trí ít nhất 6 trạm bơm dã chiến tại các xã Duy Tân, Duy Hòa, Duy Thu để đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng.

Ông Văn Bá Năm cho biết: “Đối với Duy Xuyên thì có 8 hồ chứa. Có 3 hồ chứa lớn, 5 hồ chứa nhỏ và 20 trạm bơm điện và một số trạm bơm hạ lưu sông Thu Bồn thường bị nhiễm mặn. Đến giờ này, cân đối lại nguồn nước thì mới tích lũy được từ 30% đến 35% nước. Nếu tính bài toán cân đối nguồn nước cho vụ Đông - Xuân này thôi chứ chưa nói Hè - Thu cũng đã thiếu rồi. Nếu thời gian đến mà không mưa thì rất là khó khăn. Người dân phải có ý thức tham gia cùng với chính quyền, tham gia cùng hợp tác xã ý thức đắp bờ giữ nước, tận dụng nước mưa để làm đất”.

Trước nguy cơ thiếu nước tưới đối cho vụ sản xuất Đông - Xuân, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam khuyến cáo nông dân tăng diện tích gieo sạ các loại giống lúa ngắn ngày, hạn chế gieo sạ các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 115 ngày trở lên. Ngoài ra, tổ chức phân vùng sản xuất một cách hợp lý, thuận tiện cho việc cấp nước. Các địa phương cũng chủ động củng cố hệ thống thủy lợi, phối hợp điều tiết nước tưới nội đồng hợp lý.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

“Các giải pháp chống hạn về mặt công trình phải đặt ra từ đầu. Ví dụ như ngăn mặn, nạo vét, kể cả việc bố trí các trạm bơm dã chiến để sẵn sàng sử dụng nước hồi quy các loại phải đặt ra, áp dụng triệt để tưới lứa, tức là tưới xen kẽ. Đồng thời năm nay chỉ đạo dùng giống ngắn ngày sẽ giảm được vài lần tưới”, Lê Muộn nói.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu khiến lượng mưa trong tháng 11 và 12 năm nay được dự báo thấp hơn mức trung bình các năm trước từ 20% - 30%.

Tại tỉnh Quảng Nam, diện tích canh tác phụ thuộc vào nguồn nước tưới của các hồ chứa lớn như Đông Tiển, Việt An, Vĩnh Trinh… sẽ gặp khô hạn nặng từ giữa đến cuối vụ.

Nếu trời tiếp tục không mưa thì 25.000 ha đất nông nghiệp phụ thuộc nguồn nước 17 hồ chứa thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới vụ Đông Xuân.

Ông Phạm Văn Chiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung trung bộ cho biết: “Năm nay có mấy đợt mưa nhưng cục bộ nhiều, không mưa lớn diện rộng nên xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước cho các lưu vực sông. Đến thời điểm này, hầu hết các sông, dòng chảy ở dưới mức trung bình năm, chỉ khoảng 20 đến 60% so với cùng kỳ. Thời gian tới, khả năng thiếu hụt về lượng mưa cũng như dòng chảy các sông ngòi thấp hơn trung bình các năm, chỉ đạt khoảng 40 đến 70%”./.