giu gin chu viet dong bao dan toc dao
Lớp học chữ Nôm Dao của anh Triệu Văn Thuận

Anh Triệu Văn Thuận đã tận dụng và sửa sang lại gian bếp cũ nhỏ hẹp của gia đình để làm lớp học chữ Nôm Dao cho bà con đồng bào Dao tại xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ. Là một người có nhiều tâm huyết trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, anh Thuận đã dành gần 30 năm để vừa tìm tòi, vừa đi khắp nơi học hỏi về chữ Nôm Dao và cách truyền dạy. Cho đến nay, lớp học chữ của anh đã có rất nhiều học viên đăng ký theo học. Anh Triệu Văn Thuận tâm sự: "Tôi đã đi rất nhiều nơi để sưu tầm, tôi thấy các nơi đã dạy đều đặn, hàng năm mở được mấy lớp. Tôi thấy cần phải truyền đạt lại cho bà con".

Theo truyền thống của người Dao, học chữ Nôm Dao là một điều bắt buộc đối với nam giới khi trưởng thành. Ðây là loại chữ trên cơ sở chữ Hán, người Dao tiếp nhận một số từ của Nôm Tày, Nôm Việt đã được Dao hóa biến đổi. Học chữ Nôm Dao cũng là việc vô cùng cần thiết cho những hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Tại lớp học này, học viên nhỏ tuổi nhất chỉ mới 6,7 tuổi, cũng có học viên gần 60 tuổi. Mặc dù lớp học được mở ra hoàn toàn là do tự nguyện và chưa có sự hỗ trợ nào về mặt cơ sở vật chất nhưng tất cả đến đây đều có chung mong muốn là được học và giữ gìn chữ viết của dân tộc mình.

Anh Triệu Sinh Thành ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Thành, là học viên của lớp học chia sẻ: "Khi học chữ này em thấy rất là vui, cũng muốn học để biết cái chữ, để sau này còn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, truyền đạt lại cho thế hệ sau". Còn theo ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến: "Chữ Nôm Dao đã có từ lâu đời, đã có xu hướng mai một. Mở lớp học này chính là bảo tồn văn hóa của người Dao".

giu gin chu viet dong bao dan toc dao
Những người đến học đều có mong muốn là được học và giữ gìn chữ viết của dân tộc mình

Chữ Nôm Dao là một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Những lớp học như thế này sẽ khuyến khích con em dân tộc Dao yêu thích, học tập và lưu giữ văn hóa của cha ông truyền lại. Từ đó, những bản sắc văn hóa, giá trị tri thức của cha ông còn lưu giữ trong từng trang sách cổ sẽ dần được nghiên cứu và phát triển.