Cứ 3 học sinh có một em bị bắt nạt

PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên, Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho biết, năm 2014, một nghiên cứu của Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội đã được tiến hành trên 1.141 học sinh THPT một số trường khu vực phía Bắc và miền Trung Việt Nam.

Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ 24,6% học sinh trong mẫu chọn đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường; 7,2% khách thể là thủ phạm của bạo lực và 43,8% vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của bạo lực học đường.

Một nghiên cứu khác của Trường ĐH Giáo dục - nơi PGS. TS Trần Thành Nam đang công tác, cũng cho thấy: Khoảng 3 em học sinh, có một em bị ít nhất một hình thức bắt nạt nào đó (bị bắt nạt về mặt cơ thể, bắt nạt về mặt tinh thần, mối quan hệ…).

Các nghiên cứu đi trước cũng chỉ ra rằng, vấn đề bắt nạt học đường ở các vùng nông thôn cao hơn thành thị, hiện tượng bắt nạt xảy ra ở các trường công cao hơn trường tư, các em nữ dường như bị bắt nạt về mối quan hệ nhiều hơn các em nam trong khi các em nam có xu hướng bị bắt nạt về mặt thân thể nhiều hơn.

Trong trường học, các em học sinh có điểm hạn chế hình thể hoặc nhận thức như: thừa cân, béo phì, thấp lùn, năng lực tư duy không linh hoạt, năng lực giao tiếp kém, hay có ý kiến đi ngược lại số đông…, thường là nạn nhân của bắt nạt vì các bạn cùng lứa nhìn nhận họ như một sự khác biệt và người không ai ưa.

giat minh bang nhom va su vo cam trong gioi tre
Học sinh lớp 9 bị lột áo quần và đánh đập tập thể ngay tại lớp (Ảnh: Từ clip)

Bắt nạt ngày càng nghiêm trọng

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS Trần Thành Nam cho hay, con số thống kê cho thấy, ngày càng nhiều vụ việc bạo lực học đường mang tính chất nghiêm trọng xảy ra.

Bạo lực học đường không còn chỉ xuất hiện nhiều ở các học sinh nam mà ở cả học sinh nữ. Không chỉ xuất hiện nhiều ở các trường THPT mà hiện nay, xuất hiện thường xuyên ở cấp THCS và thậm chí là tiểu học.

Các vụ việc bắt nạt bạo hành học đường trước đây chỉ thiên về những hành vi dằn mặt khẳng định đẳng cấp hoặc trấn lột thì bây giờ, nhiều vụ việc liên quan đến băng nhóm, có tổ chức và chẳng cần lý do gì.

Nếu trước đây các vụ bạo hành trực tiếp và chỉ dùng chân tay thì các vụ bạo hành học đường thời gian gần đây có thêm nhiều hung khí như dao, mã tấu, kiếm, ống sắt, đá, lưỡi lam… và được phát trực tiếp qua các ứng dụng livestream để tiếp tục bắt nạt trực tuyến nạn nhân.

Thời gian và địa điểm bạo hành diễn ra ngang nhiên có thể như sau và trong giờ học tại cổng trường, trong lớp học, trong nhà vệ sinh, trong hẻm và khu đất trống vắng vẻ gần trường.

Trong khi đó, những biện pháp can thiệp phòng ngừa hiện đang áp dụng của nhà trường hay giáo viên mới chỉ tập trung vào việc nhắc nhở, cảnh cáo, hãn hữu những trường hợp gây thương tích mới báo cáo chuyển giao cho công an.

Băng nhóm và sự vô cảm trong giới trẻ

PGS. Trần Thành Nam chỉ ra, có nhiều trường hợp bạo hành, học sinh đứng chứng kiến bạn bị bạo hành nhưng không có hành động gì, thậm chí còn đưa máy điện thoại lên quay. Đấy không phải là bàng quan mà tất cả các thành viên đó thuộc một băng nhóm.

“Điều rất tệ là bây giờ, bạo lực thường được tiến hành theo nhóm. Nhóm bắt nạt có thể được phân chia thành các vai: kẻ đầu trò; kẻ a dua; kẻ cổ vũ; kẻ ngoài cuộc; kẻ chống trả. Tuy nhiên số lượng nhóm 5 rất ít và thường bị áp lực nhóm tẩy chay hoặc đánh nếu dám đưa ra ý kiến đi ngược lại nhóm. Do vậy, những học sinh này không dám làm gì cả”, PGS Thành Nam nói.

giat minh bang nhom va su vo cam trong gioi tre
Học sinh ở Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên bị đánh tập thể và quay clip nhưng không có bất kì ai can ngăn.

Cũng theo chuyên gia này, chúng ta đã bàn đến rất nhiều giải pháp nhưng sự việc liên tục xảy ra chứng tỏ những gì chúng ta làm chưa đủ và chưa phát huy được hiệu quả.

Trước mắt, ông cho rằng, chương trình giáo dục chống bạo lực học đường trong nhà trường cần nêu các tấm gương tích cực, kiểm soát sự giận giữ và giải quyết mâu thuẫn… trong gia đình và trường học.

Tăng cường sự tham gia của phụ huynh vào sinh hoạt nhà trường, giúp phụ huynh cải thiện biện pháp kiểm soát và kỷ luật con cái; phụ huynh nêu gương hành vi, thiết lập và truyền đạt các tiêu chí về hành vi trong tương tác với người khác

Cải thiện môi trường văn hóa học đường, cải thiện kỹ năng quản lý lớp học và kỷ luật tích cực cho giáo viên, giúp đưa ra hệ thống nhất quán trong thưởng phạt hành vi, nâng cao việc giám sát sự có mặt/vắng mặt của học sinh; cải thiện quy trình duy trì trật tự và bảo vệ tài sản…

“Liên quan đến cộng đồng, cần gia tăng sự tham gia của cư dân trong tiến trình quyết định các công việc liên quan đến cộng đồng; Gia tăng việc giám sát học sinh bằng các chương trình sau giờ học và các phương tiện giải trí; Thiết lập các tuyến đường an toàn cho trẻ đến trường và về nhà hay đi tham dự các sinh hoạt trong cộng đồng; Thiết lập các chương trình an ninh khu phố (sự giám sát của các gia đình) để giúp đỡ và kiểm soát trẻ có hành vi phạm pháp”, PGS.TS Thành Nam cho biết.