Tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ngãi, nhiều thầy cô giáo đang bền bỉ gắn bó với nghề, cho dù điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, chỗ ăn, chỗ nghỉ tạm bợ, đặc biệt là thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên. Tình trạng bức bách về nhà ở công vụ đói với giáo viên vùng cao kéo dài trong nhiều năm nay.

giao vien vung cao quang ngai kho khan chong chat vi thieu nha o
Khó khăn như giáo viên bám bản. (Ảnh minh họa)

Trường THCS Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nhưng nhà công vụ cho giáo viên vẫn chưa có. Không thể ở lại trường, sau giờ dạy, các thầy cô giáo ở đây phải vượt quãng đường xa để về nhà trọ trong điều kiện đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ.

Cô giáo Bùi Thị Ánh Vân ,Trường THCS Sơn Tinh, huyện Sơn Tây tâm sự: “Đôi lúc mưa to là tụi em bị cô lập luôn trên này, không về được. Tụi em là nữ, con nhỏ nữa. Cũng mong là có nhà công vụ để đưa con lên này cho nó tiện hơn nhưng mà chỗ ở bất cập quá nên phải bỏ dưới kia, mỗi lần con đau ốm cũng không an tâm công tác lắm”.

Huyện Sơn Tây có hơn 500 giáo viên, trong đó hơn 80% giáo viên từ miền xuôi lên công tác. Trong khi đó, cả huyện chỉ có 100 phòng ở công vụ nên thầy cô phải ở ghép 4 đến 5 người mỗi phòng, số giáo viên còn lại phải ở nhờ nhà dân hoặc đi thuê chỗ trọ.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây, mấy năm qua, Nhà nước đã dành kinh phí xây nhà công vụ cho giáo viên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện, địa phương cần thêm hơn 30 phòng ở công vụ cho giáo viên mới tạm đáp ứng đủ cho giáo viên có chỗ ở ổn định.

Ông Bùi Thế Giới, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Rất khó khăn cho đội ngũ nhà giáo khi phải tự tìm nơi chỗ ở để ở lại giảng dạy. Nhất là đội ngũ giáo viên nữ, các cô mà sau 6 tháng nghỉ sinh lên thì phải đưa con nhỏ lên cùng và phải nhờ bà nội hoặc bà ngoại lên cùng chăm con. Để các cô đi dạy, cũng cần phải có nhà ở để cho các thầy, các cô yên tâm công tác”.

Tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi, phần lớn giáo viên nơi đây đều từ đồng bằng lên, nhu cầu nhà ở công vụ rất lớn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên là bài toán khó đối với nhiều địa phương vùng cao tỉnh Quảng Ngãi. Các huyện vùng cao rất khó nhưng vẫn ưu tiên dành Quỹ đất để phục vụ cho việc này.

Ngày qua ngày, những thầy cô giáo vùng cao tỉnh Quảng Ngãi vẫn lên lớp dạy học. Lòng yêu nghề, mến trẻ là động lực giúp họ tạm quên đi những khó khăn vất vả. Thế nhưng, niềm mong mỏi có nơi ăn chốn ở ổn định, giúp họ yên tâm công tác vẫn là nỗi niềm của nhiều giáo viên vùng cao Quảng Ngãi./.