Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh Tiểu học trên cơ sở hoàn thiện thay Thông tư 30 chính thức được áp dụng từ 6/11/2016.

Sau 1 năm thực hiện Thông tư 22, giáo viên ở một số trường Tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã có nhận xét, đánh giá học sinh khi không dùng điểm số.

Cô giáo Hà Thị Kim Ngân, giáo viên trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết, Thông tư 22 kế thừa những ưu điểm của Thông tư 30. Tuy nhiên, vì Thông tư 22 có một số điểm mới nên việc tiếp nhận cách đánh giá học sinh cấp Tiểu học của các giáo viên mới đầu còn khó khăn. Ví dụ như giáo viên phải dần thay đổi suy nghĩ của mình về số lượng học sinh hoàn thành xuất sắc học tập ít hơn so với trước kia.

Ngoài ra, khi thực hiện Thông tư 22, cách đánh giá học sinh chặt chẽ, toàn diện hơn nhiều nên giáo viên sẽ phải đối diện với những khó khăn trong thay đổi tâm lý của phụ huynh, học sinh đối với cách đánh giá mới.

Theo cô Kim Ngân, để đánh giá đúng trình độ, năng lực của học sinh thì giáo viên thực sự phải tâm huyết, sao sát với việc học tập, rèn luyện của các em.

giao vien nhan xet hoc sinh tieu hoc sau 1 nam thuc hien thong tu 22
Thay vì chấm điểm, Thông tư 22 vẫn yêu cầu giáo viên đánh giá thường xuyên việc học tập và rèn luyện học sinh bằng nhận xét (ảnh minh họa)

Theo Thông tư 22, danh hiệu dành cho học sinh gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện, Khen thưởng học sinh vượt trội về một mặt nào đó hoặc đạt giải trong các cuộc thi.

Trong khi nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng, nếu con của họ học giỏi xuất sắc các môn học nhưng bị 1 môn Năng khiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thể thao không đạt được yêu cầu thì không đạt được danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Trước băn khoăn trên của phụ huynh, cô giáo Kim Ngân cho rằng, những năm qua, giáo viên luôn bị áp lực về số lượng học sinh giỏi xuất sắc. Nay Thông tư 22 có đưa ra việc đánh giá học sinh theo từng mặt là đúng vì không phải học sinh nào cũng giỏi xuất sắc tất cả mọi mặt.

“Phụ huynh cứ muốn con phải được đánh giá là toàn diện tất cả các môn trong khi con mình không thực sự như vậy. Chúng ta biết là hiện nay có 8 loại hình trí thông minh nên học sinh đạt được thành tích vượt trội ở môn học nào đó thì cũng là tốt.

Điều quan trọng nhất ở đây là các thầy cô giáo phải giải thích và thay đổi quan điểm, suy nghĩ của phụ huynh về năng lực học tập thực chất của con”- cô Kim Ngân giải thích.

Ra đề thi không phù hợp với học sinh là chưa đúng

“Thông tư 22 đánh giá trình độ, năng lực của học sinh sát hơn so với Thông tư 30. Nếu như khi thực hiện Thông tư 30, giáo viên dạy các môn văn hóa và năng khiếu phải viết nhiều nhận xét cho học sinh bằng sổ sách thì Thông tư 22 đã có sự thay đổi.

Thay vì nhận xét học sinh thông qua sổ sách, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh vào bảng ghi kết quả trong 4 kỳ (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II, cuối học kỳ II). Việc chấm điểm giữa kỳ chỉ thực hiện ở học sinh khối 4 và 5. Điều này cũng sẽ giảm bớt công việc phải nhận xét học sinh bằng sổ sách cho giáo viên”- Phó hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Chúc Sơn B, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nhận xét.

Tuy nhiên, việc nhiều phụ huynh phản ánh là khi không chấm điểm thì các con chưa có ý thức, tự giác trong học tập so với việc chấm điểm.

Về vấn đề này, các trường học, giáo viên cần trao đổi và phối hợp với phụ huynh thường xuyên quan tâm hơn để rèn luyện ý thức tự học cho con.

Thông tư 22 đã đưa ra quy chế “mở” là tùy theo năng lực học tập của học sinh ở các vùng, miền thì giáo viên giảng dạy trực tiếp ở nơi đó được tự chủ ra đề thi. Ví dụ học sinh ở tỉnh nào có năng lực học tập tốt thì giáo viên có thể ra đề theo 4 mức độ. Còn địa phương nào có năng lực học tập yếu hơn thì có thể ra đề theo 3 mức độ...

Theo Phó hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Chúc Sơn B, nếu giáo viên ra đề thi mà phù hợp với năng lực của học sinh tại địa phương thì việc ra đề thi đó là đúng và ngược lại./.