Phóng viên (PV): Đối ngoại thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác ở biên giới đã trở thành một điểm sáng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hoạt động này cần được cải tiến như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, thưa đồng chí?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quan trọng nhất là phải duy trì các hoạt động này. Muốn duy trì lâu dài thì phải xác định rõ là mỗi cuộc giao lưu đều mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Trung Quốc; đó là lợi ích đối với đại cục quan hệ giữa hai nước, lợi ích với quan hệ hợp tác giữa hai quân đội và lợi ích cho khu vực biên giới chung.

Cũng cần lưu ý rằng, không chỉ riêng những địa điểm tổ chức giao lưu mà toàn bộ đường biên giới Việt-Trung sẽ được thụ hưởng kết quả của các hoạt động này. Trong giao lưu biên giới thì nội dung quan trọng nhất là trao đổi nhằm đưa ra các sáng kiến, quy chế và những việc làm cụ thể, từ đó giúp cho việc quản lý và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, vừa đúng luật pháp, bảo đảm chủ quyền của mỗi nước, vừa tạo điều kiện tốt hơn cho người dân hai bên biên giới làm ăn, sinh sống. Bởi vậy, trong mỗi lần tổ chức các cuộc giao lưu biên giới, cần tính tới lợi ích đạt được là gì, cần làm gì để đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như quan hệ quốc phòng song phương phát triển, đường biên giới chung ngày càng ổn định và để người dân nhận thấy họ được hưởng lợi từ hoạt động này.

Những năm gần đây, các cuộc giao lưu đều đã đạt được mục tiêu này và trong những năm tới chúng ta sẽ cùng với phía Trung Quốc nỗ lực hướng tới những yêu cầu ngày càng cao hơn.

giao luu bien gioi dem lai loi ich cho ca viet nam va trung quoc

Lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam và Trung Quốc tuần tra song phương. Ảnh: TRỌNG HẢI

PV: Là người trực tiếp hoạch định và tham gia các chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung, theo đồng chí, chúng ta đã rút ra những kinh nghiệm gì qua 4 lần tổ chức chương trình này?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Bài học lớn nhất là đất nước muốn ổn định, bình yên và giữ vững được chủ quyền thì phải có đường biên giới ổn định, phát triển. Đường biên giới không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà phải là xuất phát điểm cho mọi hoạt động hợp tác với các quốc gia láng giềng, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa…

Chính vì vậy, chăm lo bảo vệ an ninh biên giới là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Mong rằng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, đời sống nhân dân, trình độ sản xuất, các cơ chế hợp tác kinh tế ở biên giới sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa. Khi đó, biên giới của chúng ta sẽ ngày càng vững chắc và hòa bình hơn.

Riêng với chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung, kinh nghiệm cho thấy cần phải có sự chuẩn bị tốt. Do hoạt động này có hàng nghìn người tham gia nên ngay cả việc phải làm sao để bảo đảm an toàn, không làm phiền đến nhân dân, không làm hỏng môi trường, không làm hư hại đường giao thông ở khu vực biên giới… đã là những vấn đề cần suy xét. Thế nên mới nói, công tác chuẩn bị vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, đã là giao lưu quốc phòng biên giới thì không chỉ có lực lượng quân đội mà phải huy động cả hệ thống chính trị, người dân, công an, chính quyền địa phương, các hội phụ nữ, thanh niên… cùng trực tiếp tham gia, trong đó lực lượng biên phòng là nòng cốt.

PV: Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển tích cực. Quân đội hai nước cần phải làm gì để góp phần thúc đẩy mối quan hệ này phát triển lành mạnh, ổn định?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, cả Việt Nam và Trung Quốc phải nhận thức đầy đủ rằng hòa bình, ổn định của nước này cũng chính là lợi ích của nước kia. Nhận thức ấy không phải tự nhiên có, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể. Do đó, muốn tăng cường quan hệ song phương về quốc phòng thì phải tăng cường hợp tác thực chất. Trong quan hệ đối ngoại nói chung và quan hệ với Trung Quốc nói riêng, chúng ta đề ra những quan điểm, đường lối rất quan trọng, là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời cũng rất tích cực, chủ động. Phương châm tích cực, chủ động được Quân ủy Trung ương quán triệt từ cấp lãnh đạo cho tới cấp thực hiện. Điều gì làm được cùng với Trung Quốc để đem lại lợi ích cho đất nước, đem lại hòa bình, hữu nghị thì chúng ta sẽ làm. Trong những năm vừa qua, cả hai bên đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về vấn đề này.

Nhưng giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn tồn tại vấn đề Biển Đông. Đây là một thực tế và chúng ta không đặt vấn đề Biển Đông ra ngoài quan hệ chung của hai nước. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải thẳng thắn, không quanh co, né tránh về vấn đề này. Chúng ta phải thống nhất một cách thực chất, đầy đủ, tự giác thực hiện các nhận thức chung của lãnh đạo hai Đảng, đó là giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các văn kiện đã ký như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Đối với hai quân đội phải cam kết không sử dụng vũ lực hay lực lượng quân sự để xử lý những vấn đề còn khác biệt ở Biển Đông. Nội dung này không bao giờ thiếu trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo quân đội hai nước và phía Trung Quốc cũng hoàn toàn nhất trí. Đó cũng là quan điểm có tính nguyên tắc và chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện để làm sao vừa giữ được chủ quyền, vừa duy trì được hòa bình ở Biển Đông và hòa bình bền vững cho đất nước.

PV: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng công tác đối ngoại quốc phòng, cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ những người chuyên trách. Đối với hoạt động đối ngoại biên giới, đội ngũ này đã và đang được xây dựng như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đây là một trong những vấn đề mang tính chất quyết định. Chủ trương của chúng ta là phải làm sao xây dựng được lực lượng chuyên trách làm đối ngoại quốc phòng biên giới, trước hết là lực lượng của Bộ Quốc phòng gồm những người hiểu vấn đề cũng như các nội dung cần tiến hành với các nước bạn. Thứ hai, đội ngũ đối ngoại của biên phòng, bao gồm các sĩ quan làm việc ở các đồn biên phòng, phải là những cán bộ có kiến thức về đối ngoại quốc phòng. Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ làm công tác đối ngoại biên giới là một yêu cầu bắt buộc đối với lực lượng biên phòng.

Trong cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ ba, Việt Nam đã nêu ra vấn đề xây dựng đội ngũ làm công tác đối ngoại quốc phòng và phục vụ cho các hoạt động giao lưu biên giới, đồng thời đề nghị Trung Quốc hỗ trợ. Sau đó, phía Trung Quốc đã nhất trí tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Trung cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam, tổ chức tập huấn tiếng Trung cũng như các vấn đề liên quan tới công tác lễ tân, đối ngoại...

Đó là những nội dung hợp tác rất hữu ích và thực tế, vượt ra khỏi phạm vi của chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!