Thượng úy Vũ Đức Thảo, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trường Hạ sĩ quan (HSQ) Xe tăng 1 (Binh chủng Tăng-Thiết giáp), nêu câu hỏi: "Các đồng chí có biết, nơi nhà trường đóng quân từng diễn ra sự kiện gì trong kháng chiến chống Mỹ?". Im lặng, không một cánh tay giơ lên… Thượng úy Vũ Đức Thảo nói tiếp: "Đó là lý do chúng ta phải học tập, tìm hiểu về truyền thống của dân tộc, của quân đội, đơn vị và địa phương nơi đóng quân".

giao duc truyen thong sinh dong hieu qua
Một buổi học tập truyền thống cho chiến sĩ mới ở Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 (Trường HSQ Xe tăng 1).

Một bài học giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở Trường HSQ Xe tăng 1 được bắt đầu như thế. Địa bàn nhà trường đóng quân trước đây thuộc căn cứ Nước Trong của chế độ cũ, bao gồm sân bay biệt kích, trường bộ binh và trường thiết giáp. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để vượt qua căn cứ Nước Trong, các đơn vị bộ đội ta đã gặp không ít khó khăn, thương vong, tổn thất; có những xe tăng bị địch bắn cháy ngay khi trận đánh mở màn... Sau ngày miền Nam giải phóng, Trung đoàn 207 (tiền thân của Trường HSQ Xe tăng 1) tiếp quản một phần căn cứ, trở thành trung tâm huấn luyện, đào tạo HSQ, kíp trưởng xe tăng cho các đơn vị tăng-thiết giáp phía Nam và tham gia xây dựng địa bàn… Thượng tá Trần Xuân Hùng, Chính ủy nhà trường, cho biết: "Để những bài giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới thêm sinh động, hấp dẫn, ngoài nội dung theo chương trình thống nhất của Tổng cục Chính trị, nhà trường yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị phải tìm hiểu kỹ lịch sử truyền thống, tham khảo tư liệu do các nhân chứng, cựu chiến binh cung cấp để bổ sung vào bài giảng; đồng thời tổ chức cho chiến sĩ tham quan nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh... Những bài giáo dục chính trị phải được soạn và sử dụng máy vi tính kết hợp trình chiếu, có ví dụ minh họa thực tiễn để bộ đội dễ hiểu, dễ vận dụng.

Trong giờ giải lao, các chiến sĩ được thư giãn bằng những bài hát truyền thống, được nghe chính trị viên đại đội giới thiệu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa và giá trị của bài hát; được tham gia đố vui đoán tên sự kiện, nhân vật lịch sử… Đây cũng là một cách giáo dục truyền thống nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Binh nhì Nguyễn Lê Quốc Bảo, chiến sĩ Trung đội 2 (Đại đội 5), tâm sự: Với phương pháp truyền đạt sinh động, dễ tiếp thu, thông qua những bài giảng, trò chơi và các ca khúc cách mạng, chúng tôi hiểu hơn về lịch sử, truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; giúp chúng tôi nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.