Vài năm trở lại đây, để kiểm soát lượng vốn “bơm” vào nền kinh tế cũng như đảm bảo an toàn tín dụng, hoạt động của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng. Tùy vào năng lực vốn chủ sở hữu, mức độ kiểm soát rủi ro tín dụng của mình, các đơn vị sẽ được giao những "quota" khác nhau.

Theo các chuyên gia kinh tế, ưu điểm của biện pháp này là NHNN đã kiểm soát khá tốt chất lượng tín dụng, ngăn chặn được việc phát triển nóng tại một số tổ chức tín dụng yếu kém.

Tuy nhiên, mặt trái của biện pháp này là, gần đây, các ngân hàng thương mại có hoạt động tốt liên tục trong tình cảnh vừa cho vay vừa lo hết "quota". Không ít ngân hàng, sau nửa năm đã dùng hết chỉ tiêu và lại xin "nới" tiếp vào cuối năm. Một số nhà băng chất lượng tín dụng tốt, cho vay ổn định, đến cuối năm phải đối phó việc hết "room" tín dụng bằng cách điều chỉnh khoản vay sang đầu năm sau.

giao chi tieu tin dung cho tung ngan hang nen hay khong nen
Ngân hàng Nhà nước không nên giao chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng như hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, năm 2018, NHNN đã tiến hành giao chỉ tiêu cho cho từng ngân hàng, nhiều ngân hàng có chỉ tiêu rất thấp chỉ khoảng 10%, trong khi toàn ngành mức tăng trưởng tương đối cao.

Một số ngân hàng được NHNN cho phép tăng trưởng cao hơn vì có lợi nhuận cao và được đánh giá là có hoạt động kinh doanh “lành mạnh”. Sự phân chia chỉ tiêu tín dụng này dựa vào nhiều yếu tố, trong đó, lợi nhuận cao, nợ xấu thấp, “sức khỏe” tốt thì sẽ được phân chia chỉ tiêu cao và ngược lại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lý do mà NHNN giao chỉ tiêu thấp cho những ngân hàng có “sức khỏe” tài chính yếu vì có thể NHNN muốn những ngân hàng đó tập trung vào tái cơ cấu ngân hàng, tập trung khắc phục những điểm yếu hơn là đi sâu vào vấn đề tăng trưởng… Đây là sự không bình đẳng giữa các ngân hàng.

Với những phân tích như vậy, ông Hiếu không hoàn toàn đồng ý với việc giao chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng như hiện nay. Theo vị chuyên gia này, nên để các ngân hàng tự định đoạt sự phát triển của mình dựa trên vốn tự có và dựa trên năng lực của mình. Thay vì đưa ra cho họ một chỉ tiêu tăng trưởng thì NHNN nên tập trung vào việc dùng tỷ lệ an toàn vốn để định xem ngân hàng nào cần phải tái cơ cấu, những ngân hàng nào có hệ số vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, những tài sản nào được tỷ trọng hóa với hệ số rủi ro….

Với những ngân hàng có hệ số an toàn vốn thấp thì NHNN cần có biện pháp và buộc họ phải tập trung vào chấn chỉnh hệ thống thay vì tăng trưởng mạnh.

“Có rất nhiều công cụ, từ công cụ thanh tra cho đến công cụ chỉ số an toàn vốn, bơm vốn cho các ngân hàng để NHNN có thể điều tiết sự tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Về mặt vĩ mô, NHNN nên có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống, toàn ngành. Với mỗi ngân hàng, NHNN nên để họ tự do lập kế hoạch. Trong trường hợp một ngân hàng nào đó tăng trưởng quá mức, quá sức và có nhiều rủi ro rình rập thì NHNN cần sử dụng công cụ để điều tiết, “bắt” các ngân hàng đó quay trở lại với chỉ tiêu tín dụng hợp lý”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý./.