Sáng 11/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017.

giam sat trach nhiem nguoi dung dau gop phan thuc hien quy che dan chu
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, thời gian qua, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ công chức, nhân dân được nâng lên. Các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều hoạt động lồng ghép để đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiều mô hình sáng tạo như: tạo thêm kênh ghi nhận ý kiến người dân ở cơ sở; tổ chức họp và đối thoại với nhân dân khi có những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, “Một cửa liên thông” được cấp ủy chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, qua việc kiểm tra ở các địa phương phát hiện những hạn chế trong các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần nghiên cứu để đưa vào chính sách.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết thêm: "Năm 2016, trong báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương đã đề cập đến việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nề nếp, đồng bộ hơn nhưng từ đó đến nay chuyển biến chưa nhiều, chưa sửa được văn bản nào, mặc dù đã nhận thức được những quy định bất cập trong các văn bản. Do thể chế chưa hoàn thiện được nên trong quá trình thực hiện chúng ta vẫn còn vướng mắc, chưa khắc phục triệt để. Đặc biệt lưu ý Bộ Lao động quan tâm đến vấn đề này để xây dựng chính sách liên quan đến thực hiện tốt hơn dân chủ ở cơ sở trong những loại hình doanh nghiệp để đưa ngay thành cách chính sách trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật Lao động".

Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Mai nhận định, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai thông qua phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn một số vụ việc khiếu kiện kéo dài... cần có những giải pháp, chính sách hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân. Hiện tác động của mạng xã hội làm ảnh hưởng đến người dân, vì vậy cần thông tin tuyên truyền trực tiếp từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để giải đáp vướng mắc cho người dân.

"Quan hệ giữa Đảng với dân, quan hệ giữa Nhà nước bao hàm cả cơ quan dân cử và cơ quan hành chính, các cơ quan tư pháp đối với dân như thế nào? Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị đối với dân như thế nào? Đây là những cơ quan đại diện, quyền lực xã hội của người dân. Chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn thông qua công khai minh bạch, đối thoại, thông qua tiếp dân và giải quyết các vấn đề của dân", bà Trương Thị Mai đề nghị.

Bà Trương Thị Mai cũng lưu ý, cần tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu, bởi người đứng đầu thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở./.