giam sat thuc hien nghi quyet trung uong 5 khoa xii tai thai nguyen
Toàn cảnh buổi giám sát

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là Nghị quyết hết sức quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo tình hình phát triển kinh tế của tỉnh đúng hướng, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết, bên cạnh việc thực hiện tốt việc học tập, triển khai, tuyên truyền nội dung Nghị quyết, cấp ủy các cấp, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã có nhiều hành động cụ thể để đưa Nghị quyết vào cuộc sống như: quan tâm, tạo mọi điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương; hoàn thành một số công trình quan trọng đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hằng năm, đều cố gắng bố trí nguồn lực tạo quỹ đất sạch từ 30-50 ha để thu hút đầu tư. Thái Nguyên cũng chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung thu hút đầu tư; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và thường xuyên tổ chức gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để lắng nghe, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tại buổi giám sát, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, sửa đổi một số điều trong Luật Đầu tư; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra; xem xét xây dựng, ban hành Luật riêng về thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP), nhằm tạo hành lang pháp lý, đầy đủ và chặt chẽ. Đề nghị nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; bổ sung quy định việc xử lý trường hợp khi thu hồi đất đối với cá nhân sản xuất kinh doanh nhưng không được bồi thường về đất; xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư để cải tạo nâng cấp một số công trình đê điều, thuỷ lợi trọng điểm bị hư hỏng, xuống cấp; tăng kinh phí hỗ trợ hàng năm để địa phương tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân...

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đều bày tỏ ấn tượng với những dấu ấn về tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua. Về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, các thành viên trong Đoàn đề nghị tỉnh làm rõ một số vấn đề về cơ cấu kinh tế, chuyển dịch kinh tế, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, việc giảm các thủ tục cho doanh nghiệp, cải cách hành chính, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ chế chính sách của tỉnh để thu hút doanh nghiệp FDI...

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Thái Nguyên đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng, đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục thực hiện tốt việc thể chế hoá các Nghị quyết của Trung ương; quan tâm đến các giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, đồng chí đề nghị tỉnh quan tâm triển khai Luật Quy hoạch, chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững; quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội khi thu hút các doanh nghiệp FDI vào tỉnh. Tạo cơ chế để các hộ kinh doanh cá thể có thể trở thành doanh nghiệp. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp. Các ý kiến, kiến nghị của tỉnh, đoàn giám sát tiếp thu và tham mưu với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xem xét./.