giam sat ket qua thuc hien chinh sach phap luat ve khoang san tren dia ban tinh thai nguyen giai doan 2011 2017
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn)

Thái Nguyên là địa phương tập trung khá nhiều loại khoáng sản với trên 200 điểm mỏ, điểm quặng, gồm 24 loại khoáng sản, chia thành 5 nhóm khoáng sản: nhiên liệu, kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng và nước khoáng.

Một số loại có trữ lượng đáng kể, như: than đá, quặng vonfram, quặng sắt, quặng titan. Thời gian qua, công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản được quan tâm thực hiện; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch về khoáng sản thuộc thẩm quyền được thực hiện thường xuyên, làm cơ sở cho việc quản lý khoáng sản theo quy định; công tác cấp giấy khai thác khoáng sản được thực hiện chặt chẽ (từ năm 2011 đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 186 giấy phép khai thác khoáng sản các loại được cấp; trong đó, 48 giấy phép đã hết hạn, 138 giấy phép còn hiệu lực).

Các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đã từng bước đi vào nền nếp, cơ bản đáp ứng nguồn nguyên, nhiên liệu cho các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương, với tổng thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn trong giai đoạn trên 5.261 tỷ đồng.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hành chính sách, pháp luật về khoáng sản được thăng cường. Theo đó, đội liên ngành của tỉnh, huyện đã tổ chức trên 500 cuộc kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép, qua đó xử lý vi phạm hành chính trên 3 tỷ đồng, tịch thu nhiều phương tiện, thiết bị, khoáng sản khai thác trái phép.

Tuy nhiên, do các mỏ khoáng sản nằm rải rác, địa hình nhiều đồi núi phức tạp nên có lúc, có nơi vẫn còn hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, việc phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, cả thải gây ô nhiễm môi trường chưa kịp thời, việc chấp hành các quy định về thuế, phí lệ phí liên quan của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc, một số đơn vị được cấp phép nhưng chưa thực hiện được do vướng các thủ tục liên quan.

Tại buổi giám sát, Đoàn giám sát đã yêu cầu đơn vị, địa phương của tỉnh làm rõ công tác quản lý kê khai thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản; công tác quản lý sản lượng khoáng sản được khai thác; việc đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường tại các điểm mỏ; công tác quản lý, bảo vệ các mỏ chưa được cấp phép; kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến ảnh hưởng của hoạt động khai khoáng tới đời sống dân sinh; những bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng,...

Trên cơ sở các nội dung trao đổi tại Hội nghị, phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trưởng Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan tiếp thu các ý kiến trao đổi của đoàn, sớm có văn bản giải trình những nội dung chưa rõ, còn nhiều ý kiến và khắc phục các tồn tại liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của đơn vị đã được đoàn chỉ ra. Các ý kiến, kiến nghị khác sẽ được Đoàn tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và gửi tới các cơ quan chức năng liên quan xem xét giải quyết.