Sự việc lùm xùm ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực chất là một khủng hoảng không hề nhỏ đối với Bộ này, đến mức Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ phải chấn chỉnh năng lực của Cục. Vụ khủng hoảng làm mất uy tín của tổ chức công, gây bức xúc cho xã hội và còn hơn thế.

Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Ngọc Sơn, chuyên gia và là NCS về quản trị rủi ro và khủng hoảng tại CHLB Đức ngõ hầu có thể tìm giải pháp tháo gỡ.

PV: Thưa ông, dưới góc độ một nhà nghiên cứu, ông nhìn nhận thế nào về vụ khủng hoảng do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (cục NTBD) gây ra?

NNC Lê Ngọc Sơn: Tôi thấy rằng, gần đây một số vấn đề xã hội không được giải quyết rốt ráo, xẩy ra khủng hoảng, từ “sự cố môi trường ven biển miền Trung”, “giải cứu đàn lợn thịt”, “giải cứu trứng gà”, “giải cứu dưa hấu”, “giải cứu vải thiều”… thì nay có thể gọi trường hợp khủng hoảng ở Cục NTBD là “giải cứu ca khúc”, hay “giải cứu nghệ thuật biểu diễn”…

Tôi thấy đây có thể được xếp vào một cuộc khủng hoảng mà tôi đặt tên nó là “khủng hoảng tự chuốc”. Nghĩa là cuộc khủng hoảng do lỗi chủ quan, do chính Cục NTBD gây ra và nảy sinh thêm các rắc rối khác nữa. Dạng khủng hoảng này gây thiệt hại lớn về uy tín, hình ảnh cho Cục, cho Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch (Bộ VH-TT-DL) và cho đất nước…

Tôi nghĩ đây là vụ khủng hoảng lẽ ra không đáng có, nó nảy sinh từ năng lực, trách nhiệm hạn chế, yếu kém của người đứng đầu Cục NTBD. Cũng vì thế, “cái sảy nảy cái ung”, ngay đến việc xin lỗi cũng không xong do ông cục trưởng không cầu thị, không nghiêm túc, gây ra các khủng hoảng liên hoàn.

giai quyet khung hoang o cuc nghe thuat bieu dien nhu the nao

Tiến quân ca - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng vừa mới được Cục NTBD cập nhật vào danh mục các ca khúc phổ biến rộng rãi.

PV: Và tình trạng khủng hoảng liên hoàn kéo dài, tổ chức công (ở đây là Cục NTBD, là Bộ VH-TT-DL) sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

NNC Lê Ngọc Sơn: Rõ ràng trong vụ này, “con dại cái mang”, hình ảnh tổ chức công bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghiêm khắc chỉ đạo Bộ VH-TT-DL chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, năng lực Cục NTBD. Trên mạng, cùng với những bình luận, góp ý thiện chí, tích cực, thì cũng lan truyền rất nhiều các bình luận tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan công quyền.

Một số người còn quy kết trường hợp Cục trưởng Chương thành cái phổ biến, như là cái “dễ hiểu”. Nồi canh có thể rầu, dù chỉ có một vài “con sâu” trong đó. Tổ chức công chưa biết mạnh yếu thế nào, nhưng những người năng lực và phẩm chất kém như ông Chương sẽ bị vạ lây, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhìn sâu xa hơn, việc phát triển văn hoá, nghệ thuật của nước nhà cũng bị thiệt hại do những quy định oái oăm của người không hiểu các thuật quản trị công cơ bản gây ra.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng này?

NNC Lê Ngọc Sơn: Chẳng biết bằng cách nào đó, những cán bộ kém năng lực, yếu trách nhiệm, thiếu trung thực như thế lại có thể leo vào, leo cao trong bộ máy. Điều này về lâu dài chẳng những không giúp bộ máy mạnh hơn, mà còn làm cho cả một đoàn tàu chậm lại. Tôi cho rằng, khi người đứng đầu một lĩnh vực của một bộ, ngành, địa phương mà yếu kém, chắc khó có thể giúp bộ, ngành, địa phương đó phát triển. Tôi cứ phân vân mãi động cơ nào để Cục trưởng Chương quả quyết rằng cấp phép cho các bài hát là đúng, rồi cấm 5 ca khúc khá nổi tiếng, lưu hành nhiều năm rồi, cũng đúng.

Suy cho cùng, có vài kịch bản sau khiến ông Cục trưởng Chương hăng hái với hành động “cấp phép”, “rút phép” của mình:

(1) “Cấp phép cho bài hát, thì dễ hơn đưa ra danh sách bài hát bị cấm”. Nếu đúng như vậy, nó ngược lại với nguyên tắc Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, phục vụ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ ta đang hướng tới. “Ông Cục” đá quả bóng khó khăn sang phía người dân, còn ông chọn việc dễ. Vậy thì dân nuôi ông để làm gì? Tuy nhiên, hành động này chẳng khác nào việc nhặt thóc ra khỏi sạn (thay vì nhặt sạn ra khỏi thóc). Nó làm tôi nhớ lại bộ phim Thằng Bờm nổi tiếng của điện ảnh nước mình: phá cổng để vác ngang cây tre vào nhà, thay vì vác dọc; trèo lên cây cau rồi nhờ người khác chặt bên dưới… Nếu vậy, ăng lực ông có vấn đề, rất có vấn đề (xin lỗi, hình như ông này vừa ẵm chiếc bằng tiến sĩ, cũng lại vừa nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật !?).

(2) Cứ coi như hành động của ông Cục trưởng và một số vị ở cục NTBD là “vô tư”, “hồn nhiên” vì cho rằng đây là một cách làm tốt cho đại chúng. Vô tư một cách ngô nghê, đến trò cười thì không thể là phẩm chất, năng lực của một người ở ghế Cục trưởng. (Tôi đặt ngược câu hỏi: Vậy nếu vì đại chúng, thì tại sao khi dư luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, giới văn nghệ và nhiều người dân phản ứng, phản đối, ông Cục trưởng không nhìn nhận vấn đề nghiêm túc, không điều chỉnh, không xin lỗi? Chỉ đến khi Phó Thủ tướng chỉ đạo, ông mới thay đổi (hoặc đối phó)?. Và khi lên báo, đài lại đổ lỗi cho “kỹ thuật” và “người dân hiểu sai”, liệu thái độ này có xứng đáng là của một Cục trưởng? Và ông Cục trưởng có tôn trọng người dân, tôn trọng cấp trên ?!

(3) Nếu như đây là một hành động để thể hiện quyền lực, muốn bắt những người sáng tác phải đăng ký trước mỗi tác phẩm, thì rõ ràng cả phẩm chất, tư cách lẫn năng lực đều có vấn đề.

Bất cứ tình huống nào như đã phân tích ở trên, thì năng lực, phẩm chất, thái độ, tư cách, liêm sỉ đều “đầy vấn đề”.

PV: Nếu ông (chỉ là giả thuyết thôi) được Bộ VH-TT-DL mời làm cố vấn, tư vấn để giải quyết cuộc khủng hoảng này, thì ông sẽ tư vấn những gì ?

NNC Lê Ngọc Sơn: Tôi nghĩ rằng, Bộ VH-TT-DL lúc này, dù tiến hành biện pháp nào, cũng cần thể hiện sự cương quyết, mạnh mẽ và thực tâm đối với việc phát triển văn hoá, nghệ thuật nước nhà. Với những sai phạm của Cục trưởng Chương vụ này và một số vụ vừa qua, ông Chương hoàn toàn không xứng đáng với vị trí hiện tại. Cái áo quyền lực quá rộng, quá xa xỉ so với năng lực và trách nhiệm của ông ấy. Ở đây, hình như còn có cả lòng tự trọng, sự liêm sỉ nữa, có lẽ ông này không có nốt?!

Nếu Bộ VH-TT-DL thực chất muốn đổi mới và phát triển, cần bắt đầu từ chất lượng bộ máy và cán bộ, hãy xắn tay làm đúng, làm mạnh ở cục NTBD. Tôi tự hỏi, còn chờ gì nữa? Người dân, dư luận xã hội đã hết chịu nổi và đừng mong tìm được sự tha thứ. Xử lý một người để được nhiều việc, làm gương cho nhiều người. Tôi sẽ nói một cách thẳng thắn, kiên quyết với ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện rằng: Bộ trưởng còn chờ gì nữa, hay sợ cán bộ mình bị oan? Hay còn…gì nữa? Chần chừ, hữu khuynh, né tránh lúc này là đổ dầu vào lửa, mà “ngọn lửa” ở cục này đã bốc cao rồi!

Trong các lý thuyết quản trị khủng hoảng của nhiều nước, thuyết Truy nguyên (Attribution theory) thường được áp dụng trong trường hợp này, vì nguyên nhân khủng hoảng thì rõ mười mươi. Trong những tình huống như thế, dư luận cần được xoa dịu, cần được giải đáp để sự việc phải kết thúc; để hình ảnh, uy tín của ngành, của Bộ VH-TT-DL và của chính Bộ trưởng không sứt mẻ thêm, không xấu thêm, họ cần biết ai là người phải chịu trách nhiệm và xử lý người đó như thế nào?.

Trong lịch sử phương Đông, cách xử lý này được gọi là “cái đầu Vương Hậu”. Chuyện kể rằng, trong một lần đánh nhau với quân của Viên Thiệu, Tào Tháo đưa 17 vạn quân công thành nhưng mãi không phá được thành. Lương thảo cạn kiệt, quân lính mệt mỏi. Tào Tháo sai quân sang cầu viện, vay được Tôn Sách 10 vạn hộc lương. Quan trông coi lương thảo là Vương Hậu phát cho quân lính, nhưng chẳng mấy chốc khẩu phần ăn bị giảm, lương thảo rất mau cạn. Để vượt qua cuộc khủng hoảng này, Tào Tháo nghĩ ra kế “mượn đầu Vương Hậu”, để quân không oán thán và một lòng vì nghiệp chung. Thế là trách nhiệm lương thảo Vương Hậu phải gánh chịu. Ba ngày sau, thắng lợi vang dội mang về cho Tào Tháo.

Cách này ở nước ta trong lĩnh vực công đã từng được sử dụng để giải quyết các khủng hoảng. Quân pháp bất vi thân! Càng nghiêm càng sớm vãn hồi tình hình. Trong trường hợp cụ thể này, đứng ở góc độ của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, cái sai (có hệ thống và không hề oan uổng) của ông Cục trưởng Chương là rõ ràng, không có nỗi oan của “Vương Hậu”, và dư luận cần có một người đứng ra chịu trách nhiệm về các khủng hoảng mà người đó gây ra./.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn Sơn đã và đang là cố vấn truyền thông chính trị cho khá nhiều tổ chức, cá nhân. Ông gần như là người đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về ngành quản trị khủng hoảng ở bậc tiến sĩ. Đang làm NCS tại CHLB Đức, ông Sơn cũng tham gia giảng dạy và thực hiện nhiều dự án nghiên cứu học thuật ở Việt Nam, trong đó có Đề tài cấp trọng điểm nhà nước “Mạng xã hội trong bối cảnh xã hội thông tin ở Việt Nam”.