Tuy nhiên, do tâm lý thích hàng ngoại của người tiêu dùng còn rất nặng nề, hàng ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường gây sức ép cạnh tranh lớn, hệ thống phân phối hàng nội địa chưa được đầu tư đúng mức nên hàng sản xuất trong nước còn chưa có được chỗ đứng ổn định.

Nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá rẻ và mẫu mã khá đa dạng. Ảnh: Bảo Linh

Trong những năm qua, Sở Công thương Thái Nguyên cùng các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông trên địa bàn liên tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ưu điểm của hàng Việt, hỗ trợ vay vốn bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Năm 2009 đã tổ chức được 4 phiên tại các chợ vùng cao của Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ và Võ Nhai; năm 2010 tổ chức được 8 phiên đến tất cả các huyện, thị có xã vùng sâu, vùng xa thu hút 624 lượt doanh nghiệp tham gia với gần 700 gian hàng, doanh thu bán hàng đạt trên 3 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian qua, đã có 26 hội chợ, triển lãm được tổ chức, thu hút 1371 doanh nghiệp tham gia với 1930 gian hàng, gần 500.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu đạt 55 tỷ đồng. Hàng hóa đưa về các phiên chợ của các doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài tỉnh là những mặt hàng sản xuất trong nước, phong phú về chủng loại, có mẫu mã, chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ, giá thành hạ, được người tiêu dùng ủng hộ và đón nhận như: đồ sành sứ Hải Dương, đồ nhựa, mũ bảo hiểm, bóng đèn Rạng Đông và đặc biệt là giấy, bút, sách Hồng Hà...

Thông qua các chương trình "Đưa hàng sản xuất trong nước về vùng sau, vùng xa, vùng nông thôn" không những đã góp phần triển khai các gói kích cầu tiêu dùng hàng nội địa của Chính phủ; khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt mà người tiêu dùng còn nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của hàng Việt so với những hàng ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn khi sử dụng nhất là với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác đây cũng là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiêu thụ được hàng hóa ngay trên địa bàn, có điều kiện giới thiệu hình ảnh của đơn vị mình; tìm kiếm, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường nội địa, tạo sự uy tín với người tiêu dùng, phát hiện nhu cầu, thị hiếu và nét văn hóa tiêu dùng của nhân dân từng vùng để từ đó định hướng sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Tuy vậy, qua khảo sát cho thấy, hiện tại, hàng hóa Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị phần rất lớn từ mặt hàng vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị... cho đến các mặt hàng thiết yếu như: quần áo, giày dép, đồ điện tử gia dụng, rau quả, đồ chơi trẻ em, văn phòng phẩm... Do đó, trong chiến lược sản xuất kinh doanh của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng cần có những giải pháp để hàng hóa có thể cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước

Ngành Công thương Thái Nguyên đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh như: Điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tiêu thủ công nghiệp và làng nghề, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, công nghệ, thị trường...; Xây dựng lộ trình từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên một số lĩnh vực như cơ khí chế tạo, lắp ráp, công nghiệp nhẹ và sản xuất hàng tiêu dùng...

Ngành công nghiệp được chú trọng đẩy mạnh, đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và tập trung phát triển công nghệ chế biến nông sản. Việc huy động nguồn vốn, sử dụng có hiệu quả trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại... được triển khai mạnh mẽ hơn, đặc biệt là nâng cấp mạng lưới chợ, chợ đầu mối, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, xã hội hóa loại hình kinh doanh như: Trung tâm thương mại, siêu thị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử, đặc biệt là sàn giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại...

Thái Nguyên đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ, chợ đầu mối và các trung tâm thương mại hiện đại. Ảnh: Bảo Linh

Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được tăng cường, đặc biệt là thị trường nông thôn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của địa phương như: cơ khí, máy móc, thiết bị, may mặc... Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu, giảm xuất khẩu thô và hàng sơ chế.

Song song với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, vi phạm sở hữu trí tuệ cũng được đẩy mạnh, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt.

Đặc biệt, trong năm qua, nhiều chương trình, đề án đã được xây dựng, hứa hẹn đem lại những hiệu quả thiết thực. Đó là: Chương trình phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2011 - 2015; Đề án xúc tiến thương mại hàng nông, lâm sản; Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp; Đề án phát triển chợ nông thôn giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt là dự án xây dựng chợ vùng Việt Bắc và Trung tâm Hội chợ Triển lãm có quy mô trên 30ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đã được tỉnh xác định là công trình trọng điểm giai đoạn 2011 - 2015.

Với những biện pháp quyết liệt trên, tin tưởng rằng hàng Việt Nam sẽ dần dần tạo dựng được uy tín đối với người tiêu dùng, nền sản xuất trong nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ được mở rộng và phát triển hơn nữa.

Bảo Linh