Được thành lập từ tháng 3-2012 với 7 hội viên ban đầu, HTX Chè Minh Thu có trụ sở tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên. Từ những khó khăn của những ngày đầu thành lập, đến nay, tổng diện tích trồng chè của 16 hội viên trong HTX đã lên đến gần 7ha, tất cả hội viên đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp tươi của các hộ xã viên vào khoảng 7 tấn/tháng, được HTX bao tiêu 100%. Hiện nay, với sản lượng tiêu thụ gần 15 tấn chè búp khô/năm với doanh số khoảng 6 tỷ đồng; các sản phẩm Chè Đinh, Chè Tôm lửng, chè tôm nõn, chè móc câu, chè nhúng và chè búp truyền thống của HTX đã và đang khẳng định chất lượng và uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

giai phap nao de bao ve uy tin san pham che tan cuong thai nguyen
Mọi quy trình sản xuất của các hội viên trong HTX được kiểm tra, giám sát hết sức chặt chẽ

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh Thu, Chủ nhiệm HTX cho biết "Để đảm bảo sản phẩm chè của các hội viên trong HTX, chúng tôi đã thành lập ra 1 tổ kiểm tra, cứ 1 tuần lại đi giám sát 1 lần, luân phiên các hộ sản xuất. Cùng với đó, tại mỗi hộ đều có 1 cuốn sổ theo dõi nông hộ, toàn bộ quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, chế biến đều phải ghi chép đầy đủ. Đặc biệt, nếu trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện hộ nào sai phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý và sẽ "tẩy chay" ra khỏi HTX".

Với trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm HTX là thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình trồng, sản xuất chè của hội viên, thì một trong những yếu tố không thể thiếu đó là ý thức cũng như trách nhiệm của chính những người làm chè ở vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà” này. Điều đó không những góp phần tạo uy tín cho sản phẩm Chè Tân Cương nói chung mà đã nâng cao thu nhập cho các hội viên trong suốt nhiều năm qua.

Bà Tạ Thị Hoàn, Hội viên HTX Chè Minh Thu nói "Chúng tôi đã được đi tập huấn nhiều lần về quy trình sản xuất Chè theo tiêu chuẩn VietGap. Vào HTX được hơn 3 năm là từng đấy năm, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này. Theo đó, giá thành của sản phẩm cũng được nâng lên rất nhiều, đặc biệt, vấn đề đầu ra cho sản phẩm đã được cải thiện rõ rệt".

Có thể thấy, trong chiến lược phát triển cây chè, hiện nay, xã Tân Cương luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn. Hiện nay, người dân Tân Cương đã và đang trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, Tân Cương cũng tập trung đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước thông qua các hội chợ triển lãm, Festival trà…

giai phap nao de bao ve uy tin san pham che tan cuong thai nguyen
Sản phẩm Chè, Trà Tân Cương đã trở thành thương hiệu nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước trong suốt thời gian qua

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, số doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều; phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè của tỉnh chưa có vùng nguyên liệu riêng nên luôn bị động trong sản xuất và quản lý chất lượng. Cùng với đó, việc nhái các sản phẩm Chè Tân Cương Thái Nguyên là rất nhiều, do đó, đã ảnh hưởng đến uy tín, cũng như chất lượng Chè Tân Cương của những người làm chè truyền thống. Chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh chè hiện nay, bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chè Tân cương Hoàng Bình nói "Hiện nay, việc giả mạo nhãn mác bao bì sản phẩm Chè Tân Cương là rất nhiều. Bất cứ cơ sở in ấn nào cũng có thể in được. Cùng với đó, hoạt động của Hiệp hội Chè Tân Cương trong suốt thời gian qua cũng chưa phát huy được tác dụng, do đó, quyền lợi của các hội viên gần như chưa được bảo vệ. Vô hình chung sẽ dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ vì họ khó có thể phân biệt được sản phẩm thật và giả của chè Tân Cương".

Cùng chung suy nghĩ với bà Lý, bà Nguyễn Thị Minh Thu, Chủ nhiệm HTX Chè Minh Thu chia sẻ "Thành lập HTX để phát triển và đưa sản phẩm Chè Tân Cương bay xa hơn nữa.. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là giá thành sản phẩm Chè Tân Cương chính hãng của chúng tôi bán ra giá cao hơn nhiều với sản phẩm Chè Tân Cương khác được trà trộn. Do đó, đôi lúc vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do đó, đề nghị, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, một mặt vừa góp phần bảo vệ uy tín cho sản phẩm Chè Tân Cương, mặt khác để những người nông dân làm ăn chân chính như chúng tôi có điều kiện để phát triển".

giai phap nao de bao ve uy tin san pham che tan cuong thai nguyen
Vùng đất đệ nhất danh trà - Tân Cương Thái Nguyên

Thiết nghĩ, để sản phẩm Chè Tân Cương Thái Nguyên thực sự đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, ngoài việc nâng cao nhận thức của người sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn, ngành chuyên môn của tỉnh cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ từ khâu quy hoạch vùng sản xuất, khâu sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp đến khâu canh tác, thu hái, bảo quản, chế biến bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP. Và trên hết, cần tạo ra chuỗi liên kết trong trồng – chế biến và tiêu thụ sản phẩm để sản phẩm Chè Tân Cương luôn mãi đượm vị trong lòng thực khách như tiếng đã có từ bây lâu.

Được biết, để nâng cao giá trị cây chè, tỉnh Thái Nguyên dự kiến từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư trên 220 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách khoảng 150 tỷ đồng. Còn lại là các nguồn vốn huy động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nguồn vốn khác để triển khai đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè. Trong đó, sẽ từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, trồng mới, trồng thay thế 4.400 ha chè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao. Mỗi năm hỗ trợ chứng nhận trên 300 ha chè an toàn sản xuất theo theo quy trình VietGAP (hoặc GAP khác), hỗ trợ và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 50 cơ sở/năm. Cùng với đó, cũng sẽ huy động mọi nguồn lực cùng sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất – tiêu thụ cũng như cung ứng sản phẩm ra thị trường./.