giai ngan von dau tu cong cuu canh cua nen kinh te sau dai dich covid 19
Công trình hội trường huyện Võ Nhai

Dự án đầu tư xây dựng công trình hội trường huyện Võ Nhai được khởi công từ cuối năm 2018 với tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020, tiến độ thi công dự án thời gian qua bị gián đoạn, nhưng để công trình hoàn thành kịp thời đưa vào sử dụng trong dịp tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án, cũng như triển khai các kế hoạch giải ngân vốn theo kế hoạch. Đây cũng là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Bà Hoàng Thị Niềm, Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết: "Chủ đầu tư đã đôn đốc đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường phối hợp, tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công".

Công trình nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 37 đi xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ được khởi công từ đầu năm 2020 với chiều dài 6,6km, là công trình giao thông cấp IV, tổng vốn đầu tư trên 14 tỷ đồng. Trong đó bao gồm nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các nguồn vốn khác. Đến thời điểm này, công trình đã cơ bản hoàn thành phần nền đường và mặt đường; dự kiến sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ông Hoàng Văn Việt, Công ty TNHH Xây dựng Hà Long chia sẻ: "Mặc dù khó khăn về nguồn vốn, khó khăn về hiện trường thi công, nhưng Công ty đã tập trung nhân lực, vật lực để hoàn thành công trình theo tiến độ".

giai ngan von dau tu cong cuu canh cua nen kinh te sau dai dich covid 19
Tuyến đường từ Quốc lộ 37 đi xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ

Năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định 4070 của UBND tỉnh là trên 5.300 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài ODA.

Theo báo cáo đến ngày 20/7, giải ngân các nguồn vốn của tỉnh là trên 1800 tỷ đồng, đạt gần 35% kế hoạch. Với kết quả này, Thái Nguyên nằm trong nhóm những tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp của cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong quý I, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ triển khai và giải ngân các dự án bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, một số dự án còn gặp khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, dẫn đến tiến độ thi công chậm và tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Bên cạnh đó, một số chương trình chưa phân bổ chỉ tiêu theo kế hoạch như: vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ đầu tư các xã ATK…

Ông Đặng Trung Kiên, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng thời điểm, từng hạng mục công trình, từ đó chúng tôi sẽ đưa ra những phương án hợp lý, giải quyết, khắc phục kịp thời, đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình". Đối với huyện Đồng Hỷ, ông Võ Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: "Chúng tôi rà soát tất cả các dự án, công trình của các chủ đầu tư. Lãnh đạo UBND huyện cũng đến làm việc với từng dự án để giải quyết các khó khăn, vưỡng mắc, quyết tâm giải ngân đạt theo kế hoạch đề ra".

giai ngan von dau tu cong cuu canh cua nen kinh te sau dai dich covid 19
UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, song song với việc tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp các ngành. Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, coi đây là tiêu chí để đánh giá các địa phương trong việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, các nhà thầu thay đổi các biện pháp thi công phù hợp nhất để đẩy nhanh tiến độ".

Với quan điểm chỉ đạo thực hiện tốt công tác GPMB, tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như hoàn thành các dự án, không để xảy ra tình trạng “đọng vốn”, “đọng hạng mục thi công”, “đọng thủ tục”, tỉnh Thái Nguyên quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án để vốn đầu tư công thực sự là “cứu cánh cho nền kinh tế sau đại dịch Covid-19”./.