Để thực hiện mục tiêu xây dựng các học viện, nhà trường Quân đội trở thành nhà trường thông minh (NTTM), một trong những yêu cầu đặt ra là phải “nhận diện” được loại hình nhà trường này, và nhiệm vụ đó được đặt lên “vai” của lực lượng làm công tác thông tin khoa học quân sự (TTKHQS). Mang những câu hỏi về NTTM đến Học viện KTQS - một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia - trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của quân đội và Nhà nước, chúng tôi đã được Đại tá Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng phòng TTKHQS giải đáp khá cặn kẽ. Anh chia sẻ: NTTM được cấu thành bởi nhiều thành tố, trong đó có 6 thành tố chính, bao gồm: Sư phạm thông minh; giảng dạy thông minh; trung tâm học liệu/thư viện thông minh; công nghệ thông minh; e-Learning thông minh; khuôn viên thông minh. Việc xây dựng NTTM trong quân đội tiếp cận CMCN 4.0 là rất cần thiết, nhưng cần chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới và áp dụng có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nước ta cũng như đặc thù của các nhà trường quân đội.

giai ma thong tin ve nha truong thong minh o hoc vien ky thuat quan su
Trung tướng, GS, TSKH Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện KTQS, phát biểu tại tọa đàm “Đại học thông minh”.

Để có cơ sở, căn cứ xây dựng NTTM, cần phải có tài liệu cung cấp những thông tin cơ bản về mô hình nhà trường này. Trước yêu cầu đó, dưới sự chỉ đạo của Trung tướng, GS, TSKH Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện KTQS, Phòng TTKHQS nghiên cứu, tìm hiểu nhằm “giải mã” được những thông tin cơ bản, quan trọng nhất về NTTM dựa trên những tài liệu khoa học quốc tế mới nhất, các kết quả nghiên cứu đã công bố và thông tin từ một số website có độ tin cậy cao. Sau hơn 5 tháng tổng hợp thông tin, biên soạn, hiệu chỉnh, tháng 8-2018, Chuyên san “Đại học thông minh” ra đời, với 3 nội dung chính: Tổng quan về Đại học thông minh; một số công nghệ cốt lõi trong Đại học thông minh; một số thành tố chính trong Đại học thông minh. Tài liệu này đã được Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) cung cấp cho các học viện, nhà trường để dùng làm tài liệu tham khảo khi nghiên cứu, xây dựng NTTM trong quân đội. Phòng TTKHQS (Học viện KTQS) cũng đã chủ trì 3 buổi thông tin chuyên đề về “Đại học thông minh” cho cán bộ, giáo viên, học viên của Học viện Biên phòng và Học viện Hậu cần.

Trên cơ sở Chuyên san “Đại học thông minh”, Học viện KTQS đã phối hợp với Cục Nhà trường biên soạn, xuất bản tài liệu “Xây dựng nhà trường thông minh trong quân đội tiếp cận CMCN 4.0” vào tháng 5-2019. Tài liệu làm rõ các tác động của CMCN 4.0 đến lĩnh vực khoa học-công nghệ-kỹ thuật quân sự và hệ thống nhà trường quân đội; phân tích sâu hơn về mô hình NTTM trên cơ sở kinh nghiệm của các trường đại học trên thế giới, một số trường đại học tại Việt Nam và Học viện KTQS; đồng thời, đề xuất một số vần đề cần ưu tiên trong quá trình xây dựng NTTM trong quân đội. Nhằm tăng tính trực quan, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, đi kèm theo tài liệu “Xây dựng nhà trường thông minh trong quân đội tiếp cận CMCN 4.0” là một video clip minh họa với thời gian 60 phút, được chia thành 3 phần: Một số thành tựu của CMCN 4.0; khái niệm, một số công nghệ ứng dụng trong đại học thông minh; một số thành tố chính trong đại học thông minh.

giai ma thong tin ve nha truong thong minh o hoc vien ky thuat quan su
Các đại biểu tham dự tọa đàm “Đại học thông minh”.

Chia sẻ về quá trình thu thập tư liệu, chuẩn bị nội dung cho tài liệu “Xây dựng nhà trường thông minh trong quân đội tiếp cận CMCN 4.0”, Thiếu tá QNCN Bùi Lệ Mỹ, nhân viên Phòng TTKHQS (Học viện KTQS) cho biết: Đại học thông minh là mô hình mới và chưa được triển khai đầy đủ tại Việt Nam nên các tài liệu tham khảo cần sử dụng chủ yếu bằng tiếng Anh. Việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin, Việt hóa các thuật ngữ chuyên ngành - đặc biệt là các thuật ngữ mới hình thành về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ - cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư công sức, thời gian lớn. Nhóm biên soạn nội dung đã nghiên cứu các tài liệu liên quan và thường xuyên trao đổi, xin ý kiến các chuyên gia về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ việc xây dựng NTTM, Phòng TTKHQS cũng được giao nhiệm vụ xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật của Học viện KTQS thành tạp chí khoa học trực tuyến, đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng Dự án phát triển Thư viện Học viện KTQS thành Trung tâm học liệu hiện đại; phát triển 3 cổng thông tin điện tử phục vụ việc phát triển Học viện KTQS theo mô hình nhà trường thông minh, trở thành trường đại học nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế./.