gia tang benh nhan dot quy mua nang nong da ps
Lượng bệnh nhân đột quỵ đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên dao động từ 200 - 300 người trong tháng 6

Nếu như trong khoảng tháng 1, tháng 2 năm 2020, lượng bệnh nhân đột quỵ đến điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Khoa Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên dao động từ 100 - 150 người thì trong tháng 6, số lượng đã tăng lên gấp đôi. Nhập viện trong tình trạng liệt nửa người do đột quỵ, bệnh nhân Trần Thị Yêu, ở huyện Phú Lương đã rất may mắn được các bác sỹ tại Khoa Thần kinh chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh được tai biến nguy hiểm cho sức khỏe. Bà Trần Thị Yêu chia sẻ: "Buổi sáng hôm đó, tôi vẫn đi hái chè, đang làm tôi thấy tay chân không cử động được, không đi được nữa, mồm bị cứng không nói được".

Trao đổi về tình trạng và tiến triển của bệnh nhân, Tiến sỹ y khoa Hoàng Quang Hải, Trung tâm Đột quỵ cho biết: "Bệnh nhân bị đột quỵ vào khoảng 6 giờ sáng với các biểu hiện: chân tay nặng, không đi lại được, nói khó. Bệnh nhân được kịp thời đưa vào bệnh viện trong 3 giờ đầu. Chúng tôi đã tiến hành chụp cắt lớp, chụp mạch, chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết. Hiện, bệnh nhân đã đi lại được, phục hồi rất tốt".

Cùng với bệnh nhân Trần Thị Yêu, một số bệnh nhân cao tuổi được phát hiện và chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người. Nhờ được chẩn đoán và điều trị sớm, sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, chân tay phản xạ tốt, ăn uống được.3 đến 6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Do vậy, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Khoa Thần kinh phối hợp với Khoa Cấp cứu cùng một số khoa, phòng liên quan đã triển khai hệ thống chẩn đoán và điều trị sớm đột quỵ giai đoạn cấp với tổ chức mô hình thành một nhóm cấp cứu, để đảm bảo khi bệnh nhân đến phòng cấp cứu của Bệnh viện thì tất cả các khoa, phòng liên quan đã sẵn sàng thăm khám, hội chẩn đưa ra quyết định nhanh chóng xử trí cho bệnh nhân, từ đó có thể rút ngắn tối đa thời gian; đảm bảo quá trình cấp cứu cho bệnh nhân được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi nhất. Tiến sỹ y khoa Hoàng Quang Hải, Trung tâm Đột quỵ thông tin thêm: "Cấp cứu đột quỵ phải kết hợp giữa nhiều khoa; tất cả ekip được thông báo trên báo động đỏ. Nếu bệnh nhân được đưa đến trong giờ vàng, chúng tôi cấp cứu rất khẩn trương. Có những bệnh nhân được đưa đến trong 4,5 giờ đầu, nghe được thông tin trên báo động đỏ, chúng tôi mang thuốc ra Khoa Chẩn đoán hình ảnh để cứu chữa kịp thời".

gia tang benh nhan dot quy mua nang nong da ps
Bác sỹ Chuyên khoa II Bùi Thị Huyền, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trao đổi với phóng viên

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, cuộc sống công nghiệp với lối sống mất cân bằng đang khiến nguy cơ đột quỵ ngày càng cao. Công việc vất vả, thực phẩm nhiều chất béo, hóa chất độc hại, rượu bia, thuốc lá được xem là những yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Bác sỹ Chuyên khoa II Bùi Thị Huyền, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: "Trước kia, đột quỵ não hay gặp ở người cao tuổi, khoảng 60 - 70 tuổi trở lên. Với tình hình phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, đột quỵ não gặp ở mọi lứa tuổi; nguyên nhân hàng đầu là do cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh lý béo phì, xơ vữa động mạch, bệnh nhân có bất thường về mạch máu não, bệnh nhân nghiện rượu, thuốc lá".

Theo thống kê, cứ 45 giây, thế giới có 1 người bị đột quỵ và 3 phút có 1 ca tử vong do đột quỵ. Đột quỵ đang ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới… Vì vậy, phòng ngừa, nhận biết và can thiệp sớm đột quỵ có ý nghĩa sống còn nhằm bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người./.