Mặc dù thời điểm này giá lợn hơi xuất chuồng có giá trên 85.000đ/ kg, gấp đôi trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, những người nuôi lợn như ông Dương Thế Thắng, tổ dân phố Úc Sơn, thị trân Hương Sơn, huyện Phú Bình lại đang sợ lỗ khi quyết định tái chăn trở lại… Bởi với giá lợn giống lên vượt 2,6 triệu đồng/ 1 con bột dưới 10 kg, lại thêm giá cám chăn liên tục tăng thì người nuôi nhỏ lẻ vài chục con như ông sẽ chỉ lãi rất ít nếu giá xuất bán như hiện nay được duy trì. Ông Thắng cho biết: "Tính cả con giống lẫn thức ăn, cả thuốc thang, điện đóm không tính công thì rơi vào khoảng 6 triệu được 1 tạ hơi. Nếu bán theo giá hiện tại thì lãi chỉ được 1,5 triệu/ con thôi".

Còn đối với những trang trại chăn nái như của anh Lương Thanh Đài, xóm Thanh Thế, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương thời điểm này giá lợn bột cao lại không có lợn để xuất bán. Số lợn bột sản xuất được ở thời điểm này rất ít sẽ được trang trại giữ lại chăn để lấy vốn xoay vòng cho việc gây lại lợn nái, hậu bị… Theo tính toán của trại nái này thì mất ít nhất 2 năm mới gây lại được đàn nái như thời điểm dịch trước đây… Anh Lương Thanh Đài chia sẻ: "lý do là đầu nái giảm, những hộ chăn nuôi đa số tự cung tự cấp, chỉ đủ lượng lợn giống nuôi trong trại, không bán ra ngoài được".

nguoi chan nuoi kho tai dan
Trại nái của anh Lương Thanh Đài mất ít nhất 2 năm mới gây lại được đàn nái như thời điểm dịch trước đây.

Theo thống kê tới thời điểm này, đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 541.000 con tăng khoảng 8% so với thời điểm tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, số đầu lợn ở thời điểm này mới chỉ bằng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành chuyên môn cũng cho biết số đầu lợn cũng không thể tăng ngay trở lại bởi ngành vẫn còn phải kiểm soát để phòng dịch. Đồng thời nguồn lợn giống ở thời điểm hiện tại cũng đang khan hiếm, thị trường Trung Quốc vẫn chưa mở cửa nhập lợn trở lại nên nếu tái đàn ồ ạt nguy cơ về tụt giá sẽ trở lại khi nguồn cung vượt quá ngưỡng cầu ở trong nước. Trao đổi với phóng viên về chủ đề này, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Do những khó khăn về công tác tái đàn như nguy cơ dịch vẫn còn rất cao. Thứ hai là tình hình cung ứng sản xuất con giống hết sức khó khăn cho nên việc tái đàn của tỉnh Thái Nguyên mặc dù vẫn tích cực nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thú y tái đàn đúng theo quy định".

nguoi chan nuoi kho tai dan
Ngành chăn nuôi chưa khuyến khích tăng mạnh số lượng giống trở lại do e ngại dịch bệnh.

Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên tình hình dịch bệnh đã giảm đi nhiều. Hiện nay, lượng đàn nái giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, giá tăng rất cao. Ngành chăn nuôi cũng chưa khuyến khích tăng mạnh số lượng trở lại do e ngại dịch bệnh… Chủ trương chung thời điểm hiện tại, không cho nhập giống để tái đàn, mà phải đợi xử lý môi trường sạch bệnh. Đồng thời, thực hiện đúng theo khung kịch bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là các địa phương công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi; địa điểm tái đàn phải đủ điều kiện vệ sinh môi trường; khi tái đàn chỉ nuôi 10% so nhu cầu của hộ dân, trang trại. Sau khi tái đàn 30 ngày nếu kiểm tra âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới cho tiếp tục tái đàn hết 90% còn lại, hạn chế thấp nhấp việc tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi.