"Đến xưởng sản xuất sớm, anh Võ Đình Thương, công nhân Xưởng in (Cục Chính trị Quân khu 7) phát hiện phân xưởng mất điện, không thể khởi động được máy móc, thiết bị. Lo hoàn thành chỉ tiêu sản phẩm, mặc dù không có chuyên môn về điện nhưng anh Thương vẫn tự sửa chữa, khởi động hệ thống máy móc. Phân xưởng có điện, các máy móc hoạt động trở lại. Thế nhưng chỉ 10 phút sau, một tiếng nổ bất ngờ trong khu nhà xưởng làm hư hỏng một số thiết bị. Bài học đó đã được đơn vị rút kinh nghiệm sâu sắc, anh Thương cũng nhận rõ khuyết điểm và nhận ra: Mỗi cán bộ, nhân viên khi phát hiện sự cố kỹ thuật cần ngắt thiết bị điện, đồng thời báo cáo với người có trách nhiệm. Việc khắc phục sự cố kỹ thuật phải do cán bộ chuyên môn” - Đó là tình huống trong tiểu phẩm “Nhanh nhưng không chắc” của đội Xưởng in (Cục Chính trị Quân khu 7), một trong nhiều tình huống thực tiễn mà các đơn vị đem đến Hội thi ATVSLĐ năm 2016, do Quân khu 7 vừa tổ chức.

tin nhap 20160901084654
Cán bộ, công nhân Xưởng OX1 (Cục Kỹ thuật Quân khu 7) trao đổi kinh nghiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Bằng sự đa dạng trong cách thể hiện thông qua các tiểu phẩm và hình thức sân khấu hóa, các thí sinh tham gia hội thi đều chứng tỏ có chuyên môn cơ bản, vận dụng tốt kiến thức vào thực tiễn, xử trí linh hoạt các tình huống sát chức trách, nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, cho biết: “Nhằm giáo dục sâu về ATVSLĐ, chúng tôi đã hướng dẫn khi tham gia hội thi, nội dung thi cũng chính là thực tiễn trong thực hiện ATVSLĐ tại từng đơn vị. Qua đó, người lao động có điều kiện trao đổi, rút ra bài học quý cho mình. Đây là một trong những biện pháp nhằm đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên”.

Cùng với tổ chức các hội thi, các cơ sở sản xuất đã tích cực đổi mới công tác giáo dục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Diễn đàn, tọa đàm, thi tìm hiểu, tuyên truyền trực quan bằng pa-nô, khẩu hiệu… Công tác giáo dục tuyên truyền được gắn với công tác phân loại quản lý tư tưởng, rèn luyện kỷ luật, xây dựng tác phong chính quy. Trong giáo dục, các công ty cũng luôn coi trọng giáo dục cán bộ, nhân viên làm việc trong nhiệm vụ đặc thù như kho, bãi, sửa chữa vũ khí trang bị... Định kỳ, cấp ủy, chỉ huy các cấp tổ chức đối thoại dân chủ với cán bộ, công nhân, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác ATVSLĐ, quyền, nghĩa vụ của người lao động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thời gian qua, các công ty, xí nghiệp trong LLVT quân khu đã thực hiện hiệu quả các mô hình như: “Mỗi tuần một điều luật”, “Tổ tư vấn pháp luật, an toàn lao động”... giúp cán bộ, công nhân viên nắm vững quy định, nêu cao trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Đại tá Thái Doãn Thất, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt may 7, cho biết: “Chúng tôi phát động phong trào “Kỹ thuật, kỷ luật, năng suất chất lượng”, kích thích tinh thần học tập, nắm vững kỹ thuật, quản lý, sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị, chấp hành nghiêm kỷ luật. Mỗi năm, công ty có 12-16 sáng kiến được áp dụng, bảo đảm an toàn, tăng năng suất, cải thiện môi trường lao động của công nhân”.

Thượng tá Dương Danh Hùng, Chính trị viên Xưởng Z735, chia sẻ kinh nghiệm: “Là xưởng sửa chữa các loại ô tô, xe máy đã qua nhiều năm sử dụng, chúng tôi luôn coi trọng ATVSLĐ. Thời gian qua, đơn vị tổ chức các hội thi: “Thợ giỏi”, “Phân xưởng chính quy an toàn”... gắn với thực hiện phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, thợ sửa chữa. Nhiều năm liền xưởng luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối. Mỗi năm, xưởng có 7-10 sáng kiến được áp dụng”.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 7, các công ty, cơ sở sản xuất đều có quy chế, quy định cụ thể về bảo đảm ATVSLĐ. Công tác huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến pháp luật được thực hiện nền nếp. Các đơn vị đã chủ động đầu tư công nghệ hiện đại, thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên./.