Synnex là tập đoàn có doanh thu 33 tỷ USD và là tập đoàn lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử. Theo thoả thuận, Synnex sẽ đầu tư sở hữu 47% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading). FPT Trading hiện là nhà phân phối sản phẩm CNViễn thông lớn nhất tại Việt Nam, với mạng lưới phân phối gồm hơn 2.771 đại lý tại 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Được biết, trong thương vụ này, FPT Trading được định giá trên 80 triệu USD. Do đó, FPT sẽ nhận được 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.

Thành lập năm 1975, Synnex là Tập đoàn Đài Loan chuyên phân phối toàn cầu có mặt tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 200 văn phòng, mạng lưới phân phối phủ khắp 60% dân số toàn cầu.

fpt trading ban 47 co phan cho nha phan phoi lon thu 3 the gioi
FPT bán 47% cổ phần tại FPT Trading cho tập đoàn Synnex.

Ông Evans Tu, Tổng Giám đốc của Synnex cho biết: “Đây là cách tốt nhất để Synnex gia nhập thị trường tiêu dùng sản phẩm công nghệ, viễn thông, linh kiện điện tử rất hấp dẫn là Việt Nam”. Tuy nhiên, ông Evans Tu cho biết Synnex sẽ không tham gia vào việc điều hành tại FPT Trading mà sẽ tham gia hỗ trợ và định hướng chiến lược của công ty. Ông này cho rằng, với kinh nghiệm đầu tư tại nhiều nước, như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, cùng năng lực và kinh nghiệm của Synnex trong việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phát triển kênh bán hàng, logistic cũng như vận hành kinh doanh, Synnex có nhiều chiến lược tốt giúp FPT Trading phát triển và cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

Nói về thương vụ này, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: “Synnex là nhà phân phối hàng đầu thế giới, thành công và dẫn đầu ở nhiều thị trường, sở hữu mô hình phân phối tiên tiến và tối ưu. Chúng tôi tin tưởng, với sự tham gia đầu tư của Synnex, FPT Trading sẽ có chiến lược phát triển hiệu quả hơn trong tương lai.”

Ngoài ra, thông tin từ FPT cho hay, tập đoàn cũng đã thông qua nghị quyết về việc bán tối đa 5% vốn điều lệ của công ty cho CBNV có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của FPT Trading trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 11/8, Tập đoàn FPT đã thông báo về việc chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu, tương đương với 30% vốn, tại FPT Retail cho 2 quỹ thuộc Dragon Capital và VinaCapital. Tuy nhiên, giá trị thương vụ này không được tiết lộ.

Nói về việc liệu có phải thị trường phân phối và bán lẻ cạnh tranh khốc liệt trong thời gian qua là lý do FPT thoái vốn trong lĩnh vực bán lẻ, ông Trương Gia Bình cho hay: “Các doanh nghiệp FPT Retail và FPT Trading vẫn phát triển tốt, và đầy triển vọng, nhưng chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh FPT tập trung vào công nghệ nên FPT định hướng sẽ không nắm giữ đa số cổ phần tại nhóm công ty về thương mại, và sẽ thoái vốn còn dưới 50%”. Người đứng đầu FPT cho hay sẽ tiếp tục bán tiếp cổ phần của FPT Retail (sau khi bán 30%) để tập đoàn không còn giữ đa số tại công ty này.

Ông Binh cho hay, FPT sẽ tập trung nguồn tiền thu được từ bán cổ phần tại FPT Retail và FPT Trading để phát triển về lĩnh vực phần mềm. FPT dự tính sẽ mua lại các công ty Đức, sau đó sẽ mua công ty Mỹ và Nhật để đầu tư vào phần mềm.