Cesar Kuriyama, "cha đẻ" của 1 Second Everyday - ứng dụng giúp quay video mỗi ngày một giây và nối lại trong suốt thời gian dài nhằm ghi lại sự thay đổi của cuộc sống - tự nhận mình là một "con nghiện" Instagram - dịch vụ sửa ảnh do Facebook quản lý. Tuy nhiên, với việc các thông báo xuất hiện liên tục gần đây, trong đó có cả những nội dung không cần thiết, Kuriyama cảm thấy bức xúc.

"Đành rằng thông báo là để giữ người dùng ở lại với ứng dụng, nhưng nhiều quá khiến tôi cảm thấy như bị quấy rối", ông cho biết.

facebook trong tang truong hon trai nghiem nguoi dung
Facebook và Instagram đang khiến người dùng cảm thấy bị làm phiền.

Steven Schlafman, một nhà đầu tư tại New York (Mỹ), cũng rất căng thẳng khi bị Instagram làm phiền. "Bất cứ khi nào mở Instagram, tôi sẽ thấy lời nhắc 'bật thông báo'. Tôi đã cố không bật, nhưng sau đó ứng dụng lại tiếp tục gửi'", ông chia sẻ. Ông ước tính, Instagram đã yêu cầu bật thông báo ít nhất 50 lần mỗi ngày. Cuối cùng, Schlafman chọn giải pháp xóa ứng dụng.

Không chỉ Instagram, mạng xã hội Facebook cũng bị ca thán. Nhiều người từng lên tiếng về vấn đề này nhưng mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn.

Julius Dein hiện có có 15 triệu người theo dõi trên Facebook. Gần đây, anh nhận ra các thông báo được đẩy vô tội vạ nhưng bên trong không có nội dung gì. "Tôi nhận thấy chất lượng thông báo không được như xưa, đa phần là rác, thậm chí rất vô nghĩa. Nhưng nếu bỏ qua, có thể tôi sẽ lỡ điều gì đó quan trọng", Dein nói.

Các thông báo rác còn len lỏi vào cả ứng dụng nhắn tin Messenger, khi chỉ cần một người bạn mới chấp nhận kết bạn, nó cũng hiển thị. Theo BuzzFeed, đây là tính năng dư thừa và buồn chán nhất mà Facebook đưa vào. Ngoài ra, các tiện ích khung hình hay trò chơi cũng khiến người dùng cảm thấy phiền phức.

Ngay cả khi xóa ứng dụng, Facebook cũng không buông tha. Người dùng Joe Fasone đã xóa Instagram khỏi smartphone. Nhưng từ tháng 2 đến tháng 5, anh nhận được ít nhất 15 tin nhắn kiểu: "Bạn có 6 thông báo mới trên Instagram".

"Sự kiên trì của Facebook thực sự làm tôi ấn tượng", Fasone hài hước cho biết.

facebook trong tang truong hon trai nghiem nguoi dung
Tin nhắn "mời" quay lại Instagram sau khi xóa ứng dụng.

Những người trong cuộc cũng thừa nhận Facebook đang có hướng đi mới. Greg Hochmuth là một nhân viên phát triển Instagram từ những ngày chưa bị mua lại. Tuy nhiên, sau thời điểm bị thâu tóm, anh nhận thấy rằng mạng xã hội này dần chuyển từ việc coi trọng trải nghiệm người dùng sang các chỉ số. "Chìa khóa mới của Instagram là sự tăng trưởng, đó là lý do tại sao tính năng của nó lại rất khác so với ngày đầu", Hochmuth nói.

Một bản ghi nhớ gây tranh cãi từ Phó chủ tịch Facebook Andrew Bosworth bị rò rỉ hồi đầu năm nay nhấn mạnh nhiệm vụ "phải tăng trưởng bằng mọi giá". Tuy nhiên, đại diện mạng xã hội từ chối trả lời trước thông tin này.

Theo Business Insider, cựu chủ tịch Facebook Sean Parker cũng từng chia sẻ nơi ông làm việc đã có những dự án bí mật nhằm nghiên cứu tâm lý con người. Từ đó, Facebook biết người dùng muốn gì, sẽ làm gì với dịch vụ của họ.

Dein cho rằng, dường như Facebook không còn lắng nghe khách hàng. Thay vào đó, họ muốn người dùng phải chú ý vào ứng dụng càng nhiều càng tốt. "Điều này thực sự nguy hiểm, bởi nó có thể dồn người dùng vào tâm lý buồn chán và dần từ bỏ dịch vụ vì cảm thấy phiền phức", Dein đưa ra ý kiến.