Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (21/1) ban hành các biện pháp trừng phạt đối với 9 quan chức Nga và Syria, trong đó có lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU), liên quan đến vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tháng 3/2018 tại Anh. Biện pháp trừng phạt mới nhất đưa ra trong bối cảnh hai bên đang thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, được cho là mang tính tượng trưng nhiều hơn tác động thực tế.

eu tung don trung phat nga buoc di mang tinh tuong trung
Eu trừng phạt Nga. Ảnh minh họa: Reuters.

EU nhấn mạnh, hai đặc vụ Nga và lãnh đạo Cơ quan Tình báo quân sự Nga phải chịu trách nhiệm cho việc "sở hữu, vận chuyển và sử dụng" chất độc thần kinh được dùng cho vụ tấn công tại Salisbury.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngay lập tức hoan nghênh quyết định của EU gia tăng trừng phạt Nga: “Hôm nay là một ngày quan trọng khi chúng tôi đưa ra các hành động cứng rắn nhằm vào hành động của Cơ quan tình báo quân sự Nga liên quan đến vụ Salisbury năm 2018. Quyết định nhằm củng cố nỗ lực của EU trong việc chống lại việc phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học, vốn đe dọa đến an ninh quốc tế.

Còn đối với nước Anh, bước đi này cũng vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh nước Anh sắp ra khỏi Liên minh châu Âu, nhưng hợp tác ngoại giao giữa Anh và EU vẫn vô cùng vững chắc”.

Theo lệnh trừng phạt này, các quan chức trong danh sách sẽ bị đóng băng tài sản và cấm đi lại. Quan hệ Nga-Anh căng thẳng sau vụ đầu độc cựu điệp viên tình báo, với việc hai bên trục xuất nhà ngoại giao lẫn nhau, kéo theo hành động của một loạt nước khác trong EU. Nga ngay lập tức có phản ứng với biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu.

Trong tuyên bố đưa ra, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, những cáo buộc chống lại Nga và công dân Nga trong “vụ Skripal” là không thể chấp nhận được. Là bất hợp pháp khi EU đưa ra các biện pháp trừng phạt đơn phương, phớt lờ sự ủng hộ của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Nga bảo lưu quyền áp đặt các biện pháp trả đũa đối với hành động không thân thiện này của EU.

Bất chấp những cảnh báo trả đũa lẫn nhau nhưng giới quan sát cho rằng bước đi của EU mang nhiều tính tượng trưng hơn. Vì thực tế các tác động của biện pháp trừng phạt này sẽ rất giới hạn, nếu những quan chức Nga nằm trong danh sách này không có tài sản trong Liên minh châu Âu và không mong muốn đi lại tới khối, vốn đã luôn bị hạn chế sau khi EU áp đặt trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt mới đưa ra trong bối cảnh EU và Nga đang thúc đẩy một loạt các dự án hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Nga và một số nước châu Âu, điển hình là Đức đang thúc đẩy Dự án dòng chảy phương Bắc 2 bất chấp sự phản đối của một số nước thành viên EU cũng như Ukraine và Mỹ, với những cảnh báo áp đặt trừng phạt.

EU và Nga cùng Ukraine hôm 21/1 cũng đàm phán hợp đồng mới để Nga tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Việc EU cứng rắn hơn với Nga sẽ là một thông điệp rõ ràng của EU chuyển tới các đối tác rằng, EU sẵn sàng hợp tác với Nga trong các dự án mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhưng cũng sẵn sàng duy trì sức ép với Nga liên quan đến những vấn đề mà khối cho rằng vi phạm luật quốc tế.

Bước đi mới nhất của EU cũng được đưa ra vào thời điểm Anh đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị về việc ra khỏi Liên minh châu Âu. Những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể coi là một sự ủng hộ ngoại giao với Anh vào thời điểm mối quan hệ với Liên minh châu Âu đang ở thời điểm phức tạp, cũng như sẽ trở thành nguồn cổ vũ động lực lớn lao cho chính phủ của Thủ tướng Anh đang trong tâm bão Brexit./.