Chú trọng cơ sở hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, địa phương còn nhiều khó khăn, muốn phát triển đô thị đòi hỏi phải có thời gian và lộ trình phát triển theo từng giai đoạn cụ thể. Vì thế, việc trước tiên là phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đi đôi với đầu tư quy hoạch, chỉnh trang đô thị để thuận lợi trong việc giao thương buôn bán với các vùng, các xã lân cận.

duy hai huong den do thi loai v but pha thanh vung dong luc
Xã Duy Hải đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: T.H

Quá trình đô thị hóa ở Duy Hải đang diễn ra khá nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Địa phương đang khuyến khích phát triển các mô hình ít tốn đất như mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Y, đã đem hiệu quả kinh tế khá cao, xem đây là hướng đi mới giúp người dân nâng cao thu nhập”.Ông Võ Văn Vinh -Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Hải cho biết.

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, địa phương đã xây dựng trụ sở UBND xã, tường rào, cổng ngõ... với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 10 tỷ đồng. Trường mẫu giáo đã được xây dựng mới và đưa vào sử dụng và đang tiếp tục thi công hoàn thiện các hạng mục để đủ điều kiện đạt chuẩn, tổng kinh phí dự toán 19,9 tỷ đồng. Xây mới trạm y tế xã với vốn đầu tư gần 4,5 tỷ đồng. Xã đang tiến hành mở rộng thêm 6 phòng học của trường tiểu học trung tâm.Theo ông Thống, trong quá trình phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng, do vậy việc đầu tư, quy hoạch để khớp nối các tuyến là mối quan tâm hàng đầu. Về quy hoạch giao thông, xã đang kết nối các khu vực liền kề, khớp nối với TP.Hội An, huyện Thăng Bình và vùng Tây Duy Xuyên. Bên cạnh đó, hình thành thêm 1 cây cầu vượt sông Trường Giang kết nối từ vùng Tây Duy Xuyên về vùng Đông, và hình thành 1 tuyến đường ven sông và ven biển nối từ cầu Trường Giang chạy dọc sông ven biển Duy Hải. Ngoài giao thông, các công trình khác như: Trung tâm thể dục thể thao, y tế, giáo dục, trạm xử lý nước thải, kênh rạch, khu công viên… cũng được địa phương đẩy mạnh xây dựng.

Ông Thống cho biết thêm, Duy Hải cũng đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; tham mưu xây dựng chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.

Nhiều dự án đang được địa phương triển khai xây dựng như: Khu tái định cư (TĐC) Duy Hải 122,98ha, khu TĐC Bình Dương (phần diện tích thuộc xã Duy Hải 14,8ha), khu TĐC An Lương - Thuận An 177ha, dự án dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View 171ha, dự án dòng sông Lụa… Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở xã Duy Hải, nhằm hướng đến đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai không xa.

Kinh tế bứt phá

Theo ông Nguyễn Văn Thống, những năm qua phát triển nông nghiệp, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nông dân luôn được địa phương quan tâm.

Xã có thế mạnh về khai thác hải sản, năm 2018 sản lượng khai thác đạt 7.020 tấn các loại, trong đó phục vụ xuất khẩu 2.450 tấn. Trên lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích sản xuất năm 2018 là 217ha, đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng rau thủy canh, mô hình trồng lúa, khoai lang, rau đậu các loại…

Cho hiệu quả kinh tế cao phải kể đến mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Y ở thôn An Lương. Chị Y chia sẻ: “Khi mới lập mô hình, tôi gặp rất nhiều khó khăn, cả về nguồn vốn lẫn kinh nghiệm, vì đây là mô hình mới. Đến nay vườn rau thủy canh của tôi có diện tích 1.200m2, trồng các loại rau như: Xà lách ôn đới, xà lách mỡ, xà lách lolo tím, xà lách roman... Với giá bán từ 50.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại, mỗi tháng tôi có nguồn thu gần 50 triệu đồng”.

Còn trên lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp,  các ngành nghề: Chế biến hàng hải sản, chế biến nước mắm, mộc dân dụng, cơ khí, may gia công quần áo, may giày da, nước đóng chai, sản xuất đá cây và ngành xây dựng phát triển đã giải quyết được lượng lớn nguồn lao động tại địa phương, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Các ngành nghề thương mại - dịch vụ như buôn bán, ăn uống, nước giải khát, xe tải, dịch vụ cưới hỏi, phòng trọ và các hoạt động thương mại, dịch vụ khác tiếp tục phát triển, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu dùng phục vụ nhân dân.

Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất của xã năm 2018 đạt 259,9 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2017, trong đó ngành nông nghiệp ước đạt 90,9 tỷ đồng (chiếm tỉ trọng 35% toàn ngành kinh tế), công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 86,7 tỷ đồng (chiếm 33,4% toàn ngành), thương mại - dịch vụ đạt 82,2 tỷ đồng (chiếm 31,6% toàn ngành). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 32 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5,76%.