Cho phép, tức là Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có lý(?!)

Cái lý mà Bộ thanh minh với dư luận là Bộ đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đoàn thẩm định hồ sơ và các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế mở hai ngành đào tạo của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Như vậy là việc cho phép “đúng quy trình” (?), còn “các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế” chắc dư luận phải kiểm chứng bằng thời gian, vì trường này chưa tuyển sinh, chưa đào tạo...

Nói là “ đúng quy trình”, nhưng quy trình đó có thuyết phục và nhận được sự ủng hộ của Bộ Y tế hay không lại là chuyện khác!

Trao đổi với báo chí, Phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo Bộ Y tế Nuyễn Minh Lợi (người tham gia đoàn thẩm định do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức), cho biết: Ngày 17/11, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu “trường hoàn thiện theo biên bản mới ủng hộ việc mở ngành”, nhưng hai ngày sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho phép trường mở mã ngành đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo và trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng chưa thông báo tới Bộ Y tế việc trường đã hoàn thiện theo yêu cầu của đoàn thẩm định hay chưa.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, khi thẩm định, trường chưa đảm bảo đầy đủ giảng viên cơ hữu chuyên ngành (chỉ có 17/47 người có cam kết), cơ sở thực hành ngoài trường chưa chứng minh được như công bố.

Điểm trúng tuyển của sinh viên (đầu vào), số giảng viên cơ hữu chuyên ngành có học hàm, học vị, cơ sở thực hành trong và ngoài trường đầy đủ, là những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo ngành y, dược.

Soi rọi vào cơ sở giáo dục ngoài công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo “đặc cách” thì nhiều người thấy... lo!

Để vào được các trường đại học y công lập danh tiếng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tùy theo ngành học và từng năm, nhưng thông thường thí sinh phải đạt từ 23 - 29 điểm mới hy vọng thành bác sĩ, dược sĩ tương lai. Tuyển sinh lấy điểm cao, chất lượng đào tạo tốt, nhưng văn bằng bác sĩ do Việt Nam đào tạo hiện vẫn chưa được các nước trong khu vực chấp thuận.

Ấy vậy mà, với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa và Dược học, rất có thể thí sinh chỉ cần điểm đầu vào đạt từ 15 - 16 điểm là đã có cơ hội thành bác sĩ, dược sĩ tương lai, dư luận thật sự thấy lo lắng!

"Mở cửa" để trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học, liệu có phải là làm theo chủ trương xã hội hóa giáo dục hay là theo cách “xin - cho”?

Mọi việc chưa quá muộn! Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe dư luận, các chuyên gia trong và ngoài ngành, để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhưng không làm xã hội phân tâm về chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo bác sĩ, dược sĩ ở cơ sở giáo dục không chuyên./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN