Chiều 30/11, tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh là tâm của cơn bão số 12 - Khánh Hòa, Phú Yên về công tác khắc phục hậu quả.

Từ thực tế bão số 12 đổ bộ vào một tỉnh hiếm khi bị bão như Khánh Hòa, Thủ tướng nhấn mạnh, bão và thiên tai có thể đổ vào bất cứ khu vực nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nên các địa phương phải giáo dục, nâng cao ý thức và kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân.

dung de tinh trang dem gao cuu tro ve ban lam giao thong nong thon

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Đức Vinh- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, bão số 12 có sức gió 115 đến 135km/h, giật cấp 15, khiến 44 người chết, 1 người mất tích.

Tổng thiệt hại về vật chất hơn 14.700 tỷ đồng. Trong đó hơn 2.800 căn nhà bị sập hoàn toàn; hơn 300 trường học bị hư hỏng; hơn 1.600 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng nặng. Đặc biệt là hơn 35.700 lồng bè và hơn 1.750 hồ ao, đầm nuôi thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn.

Còn tại Phú Yên, báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND Hoàng Văn Trà cho biết, bão làm 2 người chết, 2 người mất tích. Thiệt hại nông nghiệp và thuỷ sản rất nặng nề, trong đó nhiều lồng bè nuôi tôm hùm giá trị lớn bị chìm. Khoảng 1.500 cột điện bị đổ. Tổng thiệt hại khoảng 3.500 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị Thủ tướng hỗ trợ gạo đủ 3 tháng cho người dân bị tổn thất nặng nề, đảm bảo sinh kế cho người dân. Đây cũng là dịp để các tỉnh quy hoạch, định dạng lại vùng nuôi trồng thủy hải sản, áp dụng công nghệ, để đảm bảo sản xuất bền vững.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang yêu cầu các công ty bảo hiểm nhanh chóng xác định thiệt hại để có phương án chi trả bảo hiểm cho người dân và các doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm, ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, để sớm mang lại nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết luận buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh và các tỉnh bị thiệt hại do bão, đặc biệt là những gia đình có người bị thiệt mạng.

Từ thực tế kiểm tra, đánh giá công tác khắc phục bão số 12 mới chỉ đạt kết quả bước đầu, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải coi việc khắc phục hậu quả là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung xử lý.

Theo đó phải sớm đảm bảo đời sống và sớm trở lại sản xuất bình thường, nhất là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

“Một loạt công trình trường học, trạm xá, các nhà máy, xí nghiệp, công tác nuôi trồng thủy sản còn rất nhiều ngổn ngang, chưa thể khắc phục, nếu chúng ta không dồn sức chỉ đạo, chắc chắn rằng đời sống nhân dân Tết này, vụ Đông này gặp trở ngại rất nhiều. Chính vì vậy các cấp các ngành và đảng bộ chính quyền, nhân dân hai địa phương, các tỉnh bị ảnh hưởng, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Yêu cầu phải chỉ đạo sát sao cụ thể của từng cấp, từng ngành. Và tất cả các bộ ngành, các địa phương đều phải có chương trình hành động hỗ trợ địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão”.

Với việc có nhiều nguồn lực hỗ trợ, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải sử dụng kịp thời, chính xác và hiệu quả hơn nữa. Cùng với đó là phải rút kinh nghiệm về việc phòng, chống bão.

Thủ tướng đề nghị: “Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong chỉ đạo phòng chống lũ lụt trong thời gian tới, không được chủ quan. Có một thái độ kiên quyết, tăng cường kiểm tra, quyết liệt hơn nữa trong việc di dời, thậm chí thực hiện một số biện pháp cưỡng chế, không để số người trên lồng bè và những nơi nguy hiểm, dễ xảy ra chết người. Và chúng tôi được biết, nhiều cấp, nhiều ngành của chúng ta, đặc biệt người dân do lâu quá không có bão, nên chủ quan. Cái này cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong chỉ đạo để làm tốt hơn việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân”.

Cho biết đã hỗ trợ lương thực cho các địa phương, nhưng tại buổi làm việc này, Thủ tướng tiếp tục quyết định hỗ trợ bổ sung cho các tỉnh để đủ mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo đảm bảo người dân đủ lương thực ăn Tết.

dung de tinh trang dem gao cuu tro ve ban lam giao thong nong thon

Toàn cảnh buổi làm việc.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quan tâm chăm lo cho các hộ gia đình thiệt hại nặng và có người thiệt mạng, gia đình neo đơn.

Để sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị giống cây trồng vật nuôi cho các tỉnh, nhất là hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Bộ Công thương chỉ đạo khôi phục sản xuất công nghiệp, đảm bảo đủ hàng hóa, tăng cường quản lý thị trường không để giá cả tăng bất hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó phải xác định rõ nhiệm vụ của các ngân hàng, các giải pháp giãn, giảm, khoanh nợ.

Bộ Tài chính có hướng dẫn về miễn giảm thuế theo đúng pháp luật, đặc biệt thúc đẩy các đơn vị bảo hiểm xác định thiệt hại, hỗ trợ người dân hoàn thiện các thủ tục để sớm nhận tiền bảo hiểm.

Bộ Lao động Thương binh xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, đảm bảo cuộc sống, chăm lo Tết cho người dân.

"Cái mà tôi đang nói là mỗi địa phương 1.000 tấn gạo, mà gạo là tiền, Chính phủ hỗ trợ nhiều kênh. Nhưng mà việc sử dụng đúng mục đích là quan trọng, đừng để tình trạng anh đem gạo về, anh bán để làm giao thông nông thôn. Báo cáo với Thủ tướng nhiều gạo quá không biết làm gì, bán làm giao thông nông thôn thôi, cũng phục vụ dân. Và bị kỷ luật hết trơn. Cái gì ra cái nấy. Nhiều địa phương đã bị cái này”, Thủ tướng nhắc nhở.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đồng ý về việc nghiên cứu sử dụng số khoản Quỹ Bảo trì đường bộ để khắc phục một số đoạn giao thông hư hỏng nặng tại hai tỉnh. Vào tối nay, Thủ tướng sẽ ký quyết định hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh khắc phục thiệt hại do bão, trong đó Phú Yên 170 tỷ và Khánh Hòa 260 tỷ.

Thủ tướng cũng cho ý kiến vào các kiến nghị của hai tỉnh, trong đó có việc sử dụng nguồn dự phòng và tăng thu ngân sách của năm 2018-2020 để khắc phục hậu quả bão lũ; vấn đề giãn, hoãn thuế; giãn giảm miễn lãi suất đối với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão và một số vấn đề cụ thể khác./.