Gánh nặng bệnh tật trực tiếp do rượu bia gây ra đã được khoa học chứng minh là một vấn đề lớn của y tế cộng đồng trên thế giới và ở Việt Nam. Trên thế giới, mỗi năm rượu bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người… Tại Việt Nam, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam.

Tình hình sử dụng rượu bia tại Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Tỷ lệ uống rượu bia ngày càng trẻ. Bia rượu được sản xuất ngày càng tăng trên khắp cả nước.

du luat phong chong tac hai cua ruou bia co duoc thong qua
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cùng với hàng nghìn người dân Thủ đô đã đi bộ kêu gọi "Đã uống rượu bia - Không lái xe".

Ma men dẫn lối đưa đường

“Đã uống rượu bia - Không lái xe” là thông điệp được lan tỏa mạnh mẽ nhất trong cộng đồng thời gian qua, sau liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm vì người điều khiển ô tô có sử dụng rượu bia. Hay những vụ án xâm hại tình dục chấn động khi cả nạn nhân và kẻ phạm tội đều là trẻ bị thành niên bị ma men dẫn lối đưa đường… Những mái ấm mất đi người mẹ, người vợ, những tổn thương trong các vụ việc này không gì bù đắp được.

Với những kẻ gây tội, đó là sự hối hận muộn màng sau khi tỉnh cơn say và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, sự dằn vặt của tòa án lương tâm. Những vụ việc nhãn tiền mới xảy ra ngay đó, những lời cảnh tỉnh chưa bao giờ thừa, song việc lạm dụng rượu bia vẫn đang diễn ra mỗi ngày.

Len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội, ma men đã để lại những hệ lụy và hậu quả lâu dài với đời sống người dân. Câu chuyện của chị Dương Thị C. (thôn Đoan Vĩ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là điều dường như ai trong chúng ta từng nghe đến và đau lòng hơn là nó khá phổ biến. Trong suốt 14 năm, chị C. đã hứng chịu những trận đòn tàn bạo của người chồng sau mỗi lần uống rượu. Có với nhau 4 mặt con, nhưng chị C. đã phải 4 lần nhập viện vì chồng đánh. Lần bị thương nặng nhất là năm 2014, khi chị C. bị đánh vỡ thủy tinh thể, rách giác mạc. Chị phải nằm viện điều trị 3 tháng, tốn 120 triệu và đến nay bên mắt này đã mất thị lực hoàn toàn… Vốn là một hộ nghèo, khoản tiền lớn để điều trị với gia đình chị C. là không hề dễ xoay ở.

Một trường hợp khác là ông Trịnh Văn A., bị TNGT năm 1998 do uống rượu sau đã khiến cả gia đình phải chịu hệ lụy đến ngày nay. Ông A. bị thương vùng đầu mặt, xương đùi chân phải bị gãy trong vụ tai nạn. Hiện, mắt phải của ông bị tổn thương nặng, thị lực giảm sút; một chăn bị teo cơ đi lại khó khăn… Ông không làm được việc chỉ và chỉ nằm nhà. Một mình vợ ông phải gánh vác cả gia đình, các con bỏ học từ sau kho ông bị TNGT…

Theo Báo cáo toàn cầu về sử dụng rượu bia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở nhiều nơi trên thế giới, sử dụng rượu bia là một đặc điểm chung của các cuộc tụ họp xã hội. Tuy nhiên, việc tiêu thụ rượu có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra các hậu quả xã hội do đặc tính gây say, gây ngộ độc và gây phụ thuộc, nghiện của rượu bia.

Báo cáo năm 2014 của WHO nêu rõ: “Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ gây hại sức khỏe hàng đầu, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương TNGT; rối loạn tâm thần và hành vi; xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư và một số bệnh truyền nhiễm…”

Tác hại của rượu bia

Một bài viết đăng tháng 8/2018 trên tạp chí y khoa lừng danh thế giới Lancet đã chỉ ra rằng: “Không có ngưỡng uống nào là tốt cho sức khỏe”.

Thực tế, chất cồn trong rượu bia được Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư. Sử dụng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch; tiêu hóa; suy giảm miễn dịch...

Việc sử dụng rượu bia gây ra gánh nặng kinh tế với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm/mất năng suất lao động và chi phí giải quyết các hậu quả xã hội khác. Cụ thể tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực do có liên quan đến sử dụng rượu bia; khoảng 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%...

Đặc biệt, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT với nam giới trong độ tuổi 15-49. Báo cáo của WHO năm 2014 cho biết, TNGT liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Chi phí giải quyết hậu quả của TNGT liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).

Khi con người hiểu rõ nhưng vẫn không tự thoát khỏi tác hại của rượu bia thì có nên chăng cần đến một pháp chế để phòng chống tác hại của rượu bia? Chiều 20/5, Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Dự luật phòng chống tác hại của rượu bia và kiến nghị từ các tổ chức bảo vệ sức khỏe công cộng tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV”.

Dự luật phòng chống tác hại của rượu bia chắc chắn tiếp tục nhận được sự quan tâm của những người làm chính sách trong Chính phủ, các đại biểu Quốc hội, cũng như các chuyên gia thuộc các tổ chức xã hội bảo vệ sức khỏe cộng đồng cả trong nước và quốc tế, và nhất là giới doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Trả lời báo chí bên lề tọa đàm, BS.TS Trần Tuấn, Trưởng Ban điều phối Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) cho rằng, trước “rừng thông tin” đưa đến cho các đại biểu Quốc hội và những người làm chính sách, vấn đề thiết kế Dự luật phòng chống tác hại của rượu bia phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Ông Tuấn nhấn mạnh, vấn đề lớn là sự phát triển của sản phẩm này mâu thuẫn với lợi ích sức khỏe cộng đồng./.