Từ việc nhóm Nhóm khủng bố Maute trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đẩy lùi nhiều cuộc cuộc tấn công của đội quân tinh nhuệ của Philippines cho thấy chúng có sức mạnh thực sự.

dong nam a tang cuong hop tac doi pho voi quotvoi bach tuocquot cua is

Quân đội Philippines làm nhiệm vụ chống khủng bố ở Marawi. (Ảnh: Reuters)

Nhận thức được mối đe dọa này, một số quốc gia Đông Nam Á tuyên bố hợp tác để ngăn chặn hoạt động di chuyển của phiến quân tại các đường biên giới chung, trong bối cảnh mối đe dọa từ IS ở khu vực ngày càng gia tăng.

Indonesia, Malaysia và Philippines trong một tuyên bố mới đây cho biết, bên cạnh các cuộc tuần tra trên biển hiện nay, ba nước sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung trên không tại các đường biên giới chung kể từ ngày 19/6 này.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin hy vọng sự hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á có thể được tăng cường nhằm chống lại các nhóm cực đoan.

“Những kẻ cực đoan có trong mọi tôn giáo, mọi chủng tộc và trong mọi quốc gia. Chính vì thế mà chúng ta không chỉ chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan và còn chống lại mọi hệ tư tưởng cực đoan nói chung”, ông Hishammuddin nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho rằng mối đe dọa khủng bố hiện nay ở Đông Nam là "chưa từng có". Ông cũng cam kết chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia khác trong khu vực.

Ông Ryacudu nói: “Chúng ta cần tập trung vào một số lĩnh vực. Do đó, tại cuộc gặp 3 bên giữa Indonesia, Malaysia và Philippines, các bên đã trao đổi về các biện pháp chống cướp biển và IS. Indonesia sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ các thông tin tình báo để giải quyết những vấn đề liên quan đến khủng bố với các đối tác Đông Nam Á và các nước khác như Mỹ”.

Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng chiến dịch quân sự khốc liệt ở Philippines có thể khiến các tay súng đổ sang các nước láng giềng để lánh nạn.

Ngoài ra, môi trường xã hội ở Đông Nam Á có những yếu tố khiến ý tưởng thành lập một Vương quốc Hồi giáo của IS dễ thực hiện khi Đông Nam Á gồm 600 triệu người, bao gồm Indonesia - nước có số lượng tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới.

Hơn nữa, ở các nước này từng có các tổ chức khủng bố thánh chiến, cùng với hàng nghìn người thuộc các nước Đông Nam Á đang tham chiến trong hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông.

Trong bối cảnh IS ngày càng suy yếu ở Trung Đông và cần có một địa bàn mới để đứng chân, với những điều kiện địa lý, yếu tố xã hội, con người… khả năng IS hướng tới thành lập một Vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chính vì thế, theo các chuyên gia nhận định, các biện pháp chống khủng bố của Indonesia, Malaysia và Philippines là hết sức cần thiết khi IS đang nhằm đến Đông Nam Á như một điểm đến triển vọng của chúng.

Tuy vậy, để đối phó với hiểm họa này, không chỉ các nước trong khu vực tăng cường hợp tác mà còn cần có sự hợp tác chống khủng bố với cộng đồng quốc tế./.